Xúc động, vinh dự, tự hào… là tâm trạng chung của các nghệ sỹ khi tham dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú diễn ra chiều 29/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vinh dự và tự hào khi được nhận danh hiệu cao quý, các nghệ sỹ đồng thời bày tỏ lòng biết ơn khi những đóng góp của mình cho nghệ thuật nước nhà được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Tôn vinh những cống hiến tâm huyết của nghệ sỹ
Chiều 29/8, Nhà hát Lớn nhộn nhịp, tấp nập khi đón hàng trăm nghệ sỹ đến tham dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú. Những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc mừng rộn rã ở khắp các hành lang.
Các nghệ sỹ có tên trong danh sách được trao tặng danh hiệu đều tự hào, hân hoan và đặc biệt xúc động. Các nghệ sỹ khi được hỏi đều khẳng định, đối với những người làm nghệ thuật, được lao động nghệ thuật là hạnh phúc, là đam mê và tình yêu với nghề chứ không phải vì danh hiệu.
Khi được trao tặng các danh hiệu cao quý, các nghệ sỹ đều rất xúc động và biết ơn bởi những nỗ lực, cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên, người được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân trong đợt này chia sẻ danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân là danh hiệu hết sức cao quý mà bất cứ nghệ sỹ nào trong nỗ lực làm nghề của mình cũng mong muốn được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng. Với anh, đó là niềm hạnh phúc quá lớn lao. Hạnh phúc vì những gì mình cống hiến đã được Đảng, Nhà nước và công chúng ghi nhận.
Song anh cũng nghĩ, khi nhận được danh hiệu vinh dự, người nghệ sỹ phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu, không phụ lòng tin của khán giả yêu nghệ thuật. Đặc biệt, mỗi nghệ sỹ phải là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ đàn em noi theo.
"Các nghệ sỹ đều nỗ lực vì tình yêu với nghề, nhưng khi có danh hiệu cao quý này, bản thân tôi sẽ phấn đấu hơn, nỗ lực hơn, giữ gìn hình ảnh, trau dồi kiến thức... để thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước phong tặng, sự yêu quý của nhân dân," anh Triệu trung Kiên chia sẻ.
Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia) nói: "Đến giờ, anh vẫn rất xúc động khi được vinh danh là Nghệ sỹ Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất dành cho người hoạt động văn hóa nghệ thuật."
Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng cho rằng, không chỉ riêng anh mà tất cả các nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều cảm thấy hạnh phúc khi được đón nhận các danh hiệu cao quý, bởi đây là sự ghi nhận, sự đánh giá cả một chặng đường cống hiến vì nghệ thuật của người nghệ sỹ.
[Hình ảnh Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú[
Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng sở hữu chất giọng Bass (giọng nam trầm) - chất giọng hiếm hoi không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực châu Á. Ông tham gia biểu diễn trong nhiều vở Opera, hát ở nhiều chương trình nghệ thuật lớn của đất nước. Là Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia, ông đã hướng dẫn, đào tạo nhiều thế hệ ca sỹ, nghệ sỹ Opera, đóng góp lớn cho nghệ thuật nước nhà.
Ở tuổi 90, mắt đã kém, chân đã run, nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh vẫn đến tham dự Lễ trao tặng danh hiệu lần này. Ông bảo, 60 năm làm nghề, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được danh hiệu mà chỉ mong làm nhân vật thật tốt, tròn vai, được khán giả yêu quý thế là mừng rồi.
Lần này, được Đảng, Nhà nước quan tâm, phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, ông vui lắm, quý lắm, phấn khởi và thấy mình “khỏe hẳn ra,” rất sung sướng, hạnh phúc và không mong gì hơn nữa.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh sinh năm 1929, là diễn viên có nhiều vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải Vàng, Bạc ở các Liên hoan Sân khấu Toàn quốc.
Ông được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình như vai ông Bí thư Đảng ủy trong phim "Làng nổi," bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17," bố Lài trong "Tướng về hưu," ông Khiển trong phim "Người cầu may," ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp," bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"... Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.
Ngay trong buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ nghệ sỹ Trần Hạnh đã có tâm sự sâu sắc và cảm động là "Tôi hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, nhưng đó không phải là mục đích của tôi khi làm nghề. Tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê. Mỗi khi được giao vai diễn nào, tôi đều cố gắng làm hết sức để không phụ lòng khán giả."
Ở độ tuổi 90, nghệ sỹ Trần Hạnh vẫn giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong và trái tim vị nghệ thuật, vị nhân sinh.
Không để người nghệ sỹ của nhân dân thiệt thòi
Ngày 12/8/2019, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1358/QĐ-CTN, 1359/QĐ-CTN chính thức truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú cho 391 nghệ sỹ, là những người đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Cụ thể, tại Quyết định số 1358/QĐ-CTN, Chủ tịch nước Quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 5 nghệ sỹ, danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho 8 nghệ sỹ. Tại Quyết định số 1359/QĐ-CTN, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 79 nghệ sỹ, phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho 299 nghệ sỹ thuộc các lĩnh các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, phát thanh, truyền hình.
Điều đặc biệt là, trong danh sách các nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú đợt này, rất nhiều nghệ sỹ hồ sơ không đáp ứng đủ các quy định hiện hành, nhưng vẫn được tặng danh hiệu vì có nhiều cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật nước nhà.
Theo quy định Luật Thi đua khen thưởng và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ, tiêu chí xét duyệt Nghệ sỹ Nhân dân yêu cầu thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phải từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên.
Đồng thời, các nghệ sỹ phải đáp ứng điều kiện đã được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú...
Đối với danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, nghệ sỹ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nghệ sỹ đóng góp cho nghệ thuật, nhưng do những đặc thù trong điều kiện môi trường hoạt động nghệ thuật có sự khác biệt nên chưa đáp ứng đủ các tiêu chí.
Ví dụ như Nghệ sỹ Ưu tú Minh Vương, Thanh Tuấn… từng là thế hệ vàng, những ngôi sao sáng của cải lương Việt Nam, nhưng không nằm trong các đoàn công lập, mà hoạt động trong các đơn vị xã hội hóa, hoạt động tự do, không tham gia các hội diễn, liên hoan sân khấu... nên chưa đủ số huy chương, chưa đáp ứng được tiêu chí xét tặng.
Thậm chí, có những nghệ sỹ đào tạo nhiều thế hệ học trò, các học trò của mình đều đã có danh hiệu, mà thầy vẫn chưa có… Đó là sự thiệt thòi rất lớn cho các nghệ sỹ.
Để các nghệ sỹ không bị thiệt thòi, ngày 18/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 50 nghệ sỹ và Nghệ sỹ Ưu tú cho 149 nghệ sỹ.
Có thể nói, chưa bao giờ như trong đợt xét tặng lần này Chính phủ ra một Nghị quyết riêng đề nghị xét tặng danh hiệu cho các cá nhân có nhiều cống hiến, dù không đáp ứng được "tiêu chuẩn cứng" theo quy định. Đây là sự điều chỉnh đặc biệt chưa từng có trong lịch sử xét tặng danh hiệu nghệ sỹ từ trước đến nay ở Việt Nam. Sự điều chỉnh này nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghệ sỹ và công chúng.
Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch), nếu áp dụng theo đúng quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, rất dễ cho người làm công tác thi đua khen thưởng, nhưng sẽ rất thiệt thòi cho nghệ sỹ.
Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lắng nghe ý kiến của các nghệ sỹ, của công chúng và đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu cho các nghệ sỹ trong khi chờ Nghị định số 89 sửa đổi cho phù hợp.
Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam chia sẻ: Các bậc đàn anh Minh Vương, Thanh Tuấn từng là những thần tượng một thời tuổi trẻ của anh, nhưng giờ mới được phong danh hiệu cùng đợt. Rất mừng là lần này, Chính phủ có Nghị quyết riêng cho những trường hợp như vậy. Rõ ràng, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đã có điều chỉnh phù hợp với thực tế.
"Hy vọng rằng các đợt xét tặng sau, các cấp lãnh đạo quan tâm lưu ý để đánh giá được đúng đóng góp của các nghệ sỹ, nhất là ở các môn nghệ thuật dân tộc. Bởi trên thực tế, lứa nghệ sỹ vàng cũng chỉ còn trong một vài lần xét tặng nữa là sẽ hết.
Quy định hiện nay đã khác, quy chế các liên hoan, hội diễn đã mở ra cho các đoàn tư nhân và nghệ sỹ tự do nên thế hệ trẻ sẽ không phải chịu những thiệt thòi như vậy nữa," Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên nói./.