Vĩnh Phúc giảm giá nước, thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài chính chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm giá nước sạch hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19.
Vĩnh Phúc giảm giá nước, thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh 1Nhân viên y tế xịt dung dịch sát khuẩn phòng chống dịch ở Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn gửi các sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp cung cấp nước trên địa bàn tỉnh yêu cầu giảm giá nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài chính chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đề xuất giảm giá nước sạch hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. 

Ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc cho biết công ty hiện có 5 nhà máy xử lý nước bao gồm Nhà máy Nước Vĩnh Yên, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Yên Lạc, thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 30.000 khách hàng trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

Doanh nghiệp đang tính toán giảm giá nước sinh hoạt mức 5% cho các hộ dân; giảm 10% phí bảo vệ môi trường và miễn giảm cho các hộ nghèo sử dụng nước có thời hạn.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 11.000 doanh nghiệp. Trong 2 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh bởi nguồn vật tư, vật liệu vẫn còn tích trữ trong kho, chưa biến động về lao động, thu nhập của người lao động vẫn duy trì đều đặn và giữ ở mức tương đối ổn định.

[Video] Sơn Lôi ''khoác áo mới'' sau 3 tuần hết cách ly dịch COVID-19

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn tăng 6,53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, tỉnh có 16/24 ngành công nghiệp trong tỉnh có sản xuất tăng.

Tuy nhiên, từ tháng Ba và đầu tháng Tư, qua khảo sát, kiểm tra của Đoàn kiểm tra tình hình sản xuất-kinh doanh tỉnh Vĩnh Phú, không ít doanh nghiệp đã phản ánh gặp khó trong cả vấn đề đầu ra và đầu vào, thông thương hàng hóa. Các hợp đồng và đơn đặt hàng của các đối tác với doanh nghiệp ít hơn, thậm chí bị hủy bỏ. Chính vì thế, việc duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn, giải quyết công ăn việc làm ổn định của các doanh nghiệp... là một bài toán khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung chỉ đạo hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc cũng như tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh phối hợp với các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang... để có thêm nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, có chính sách giãn, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục