Vitamin B3 bổ sung trong thực phẩm chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Dư thừa niacin (vitamin B3) có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và các biến cố tim khác. Loại vitamin này có nhiều trong các thực phẩm chế biến cũng như các sản phẩm bổ sung có tác dụng chống lão hóa.

Niacin (vitamin B3) được bổ sung trong nhiều thực phẩm chế biến như ngũ cốc, bột mỳ và yến mạch. (Ảnh: Getty)
Niacin (vitamin B3) được bổ sung trong nhiều thực phẩm chế biến như ngũ cốc, bột mỳ và yến mạch. (Ảnh: Getty)

Một nghiên cứu mới được công bố tại Mỹ cho thấy loại vitamin B3 (Niacin) được bổ sung vào nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra tác hại của lượng Niacin quá mức được tìm thấy trong nhiều sản phẩm bổ sung. Loại vitamin này trước đây được khuyên dùng để giảm cholesterol.

Các nhà khoa học của Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu điều tra về các yếu tố góp phần gây ra nguy cơ tim mạch còn chưa được biết đến.

Tiến sỹ Stanley Hazen, bác sỹ tim mạch dự phòng tại Cleveland Clinic, người đứng đầu nghiên cứu và các đồng sự đã theo dõi bệnh nhân theo thời gian và thu thập các mẫu máu để tìm ra các dấu hiệu hóa học có thể dự đoán sự phát triển của bệnh tim.

Kết quả, họ phát hiện những người sử dụng quá mức Niacin có thể dẫn đến dư thừa một loại chất chuyển hóa, được gọi là 4PY, gây ra tình trạng viêm, có thể làm hỏng mạch máu.

dau tim.jpg
Bệnh tim mạch vành là nguyên nhân gây tử vong cao ở Mỹ. (Ảnh: iStockphoto/Getty)

Tiến sỹ Hazen so sánh lượng Niacin hấp thụ của cơ thể giống như nhiều vòi nước đổ vào một cái xô. Khi xô đầy, nó bắt đầu tràn ra. Cơ thể con người sau đó cần xử lý lượng chất tràn đó và tạo ra các chất chuyển hóa khác, bao gồm cả 4PY.

Niacin, hay vitamin B3, rất cần thiết cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Hàm lượng Niacin được khuyến nghị mỗi ngày là 16mg đối với nam giới và 14mg đối với nữ giới, số lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu về Niacin của khoảng 98% số người trưởng thành.

Từ năm 1940, ngành công nghiệp thực phẩm ở Mỹ đã bổ sung Niacin vào các thực phẩm như ngũ cốc, bột mỳ và yến mạch để ngăn ngừa bệnh viêm da Pellagra, một căn bệnh do thiếu vitamin B3 gây ra. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc bổ sung này có thể cần phải xem xét lại dựa trên những phát hiện mới.

Thực tế, Niacin cũng có sẵn trong thịt, cá, các loại hạt và chúng ta có thể bổ sung đủ chất này với một chế độ ăn lành mạnh.

Ngành thực phẩm chế biến đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua, thu hút được nhiều khách hàng trung thành nhờ sự tiện lợi. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc chế độ ăn của họ đang dư thừa Niacin, không tốt cho sức khỏe.

“Khoảng 25% dân số đang ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung vitamin B3, và kết quả là họ tạo ra những chất chuyển hóa mà thông thường sẽ không thấy trong chế độ ăn uống lành mạnh tự nhiên," Tiến sỹ Stanley Hazen cho biết.

Tiến sỹ Hazen cũng lưu ý rằng việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm bổ sung có chứa các dạng Niacin khác nhau đã trở nên phổ biến vì được cho là có mục đích chống lão hóa.

Các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn đã chứng minh rằng mức độ cao của 4PY lưu hành trong máu có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của cơn đau tim, đột quỵ và các biến cố tim khác.

Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy 4PY trực tiếp gây ra tình trạng viêm mạch máu, làm tổn thương mạch máu và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch theo thời gian.

Tiến sỹ Hazen nói rằng phát hiện mới về Niacin tạo tiền đề cho việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm chống lại sự phát triển của bệnh tim.

Low-Res_hazen024 in white coat.jpg
Tiến sỹ Stanley Hazen. (Ảnh: Cleveland Clinic)

Những phát hiện mới này cũng giúp giải thích tại sao Niacin không còn là phương pháp điều trị phù hợp để giảm cholesterol.

Niacin là một trong những phương pháp điều trị đầu tiên được kê toa để giảm LDL hoặc cholesterol xấu. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Niacin kém hiệu quả hơn các loại thuốc giảm cholesterol khác và có liên quan đến các tác động tiêu cực khác cũng như tỷ lệ tử vong cao.

Tiến sỹ Hazen nói: “Tác dụng của Niacin luôn có phần nghịch lý. Mặc dù Niacin giúp giảm cholesterol, nhưng lợi ích lâm sàng luôn thấp hơn dự đoán dựa trên mức độ giảm LDL. Điều này dẫn đến ý kiến ​​​​cho rằng Niacin dư thừa gây ra những tác dụng phụ không rõ ràng, phần nào phản tác dụng về việc giảm LDL. Chúng tôi tin rằng những phát hiện của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn."

Tiến sỹ Hazen khuyên mọi người nên ăn nhiều thực phẩm nguyên chất hơn, hạn chế hoặc tránh thực phẩm chế biến sẵn. Với các sản phẩm bổ sung có chứa Niacin, theo ông, nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục