VN đăng cai Hội nghị Thủ trưởng thống kê ASEAN

Lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thủ trưởng cơ quan thống kê các nước ASEAN từ ngày 7 đến 9/12 tới.
Lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thủ trưởng cơ quan thống kê các nước ASEAN (AHSOM 11) từ ngày 7 đến 9/12 tới.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong năm Việt Nam là chủ nhà ASEAN 2010 và là hoạt động quan trọng nhất của Thống kê Việt Nam hưởng ứng Ngày Thống kê Thế giới lần đầu tiên 20/10 vừa được Liên hợp quốc quyết định lựa chọn.

Tham dự AHSOM 11 có thủ trưởng các cơ quan thống kê 10 nước ASEAN và các bên đối tác là các cơ quan thống kê của Liên hợp quốc (UNSD), EU (EUROSTAT), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho biết: AHSOM 11 sẽ tập trung thảo luận các chương trình hợp tác cụ thể giữa các cơ quan thống kê nhằm tiến tới một Cộng đồng chung thống kê ASEAN vào năm 2015.

Các cơ quan thống kê ASEAN sẽ tập trung hợp tác giúp đỡ lẫn nhau tăng cường năng lực thống kê và cùng nhau xây dựng Danh mục thống kê trong ASEAN, Hệ thống chỉ tiêu thống kê chung ASEAN, kho dữ liệu thống kê chung ASEAN. Đây cũng là một nội dung nằm trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7 sẽ được tổ chức từ ngày 28-30/10 tới đây tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, AHSOM 11 sẽ đánh giá quá trình thực hiện Dự án tăng cường năng lực thống kê ASEAN do EU tài trợ; bàn chương trình hợp tác cụ thể với các bên đối tác nhằm cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho ngành thống kê ASEAN. Với tư cách là nước chủ nhà, Tổng cục Thống kê sẽ có bài trình bày về “Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 2/3/2010.

Trước đó, nhân sự kiện Ngày Thống kê Thế giới đầu tiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thư tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Việt Nam cùng các nước thành viên, các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực và toàn thế giới tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới với chủ đề chủ đề chung: “Kỷ niệm những thành tựu của thống kê nhà nước” và tôn vinh giá trị cống hiến, tính thống nhất và tính chuyên nghiệp của hoạt động thống kê.

Theo ông Đỗ Thức, với lịch sử ra đời và phát triển gần 65 năm, Tổng cục Thống kê hiện là cơ quan Thống kê Nhà nước có nhiệm vụ điều tra, thống kê và công bố số liệu chính thức về kinh tế xã hội. Với việc áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ thông tin, hoạt động thống kê ngày càng hoàn thiện quy trình thu thập và xử lý để sản xuất các số liệu một cách kịp thời, đầy đủ với độ tin cậy cao.

Các số liệu thống kê như Tổng điều tra Dân số và Nhà ở; Tổng điều tra doanh nghiệp; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản; chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số công nghiệp…được coi là số liệu quan trọng chính thống phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; cũng như là căn cứ cần thiết để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp lập kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Để tăng cường hội nhập phát triển, Tổng cục Thống kê đang tích cực hợp tác và tham gia các hoạt động thống kê Liên hợp quốc và chủ động hợp tác chặt chẽ với các tổ chức thuộc Liên hợp quốc như UNDP, UNFPA, UNIDO, FAO, UNESCO, UNICEF, ILO cũng như các tổ chức quốc tế khác: EUROSTAT, WB, ADB, Viện Thống kê Quốc tế (ISI).... Tổng cục Thống kê cũng có nhiều sáng kiến thúc đẩy hoạt động thống kê trong khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á.

Hiện các số liệu thống kê của Việt Nam đang phục vụ Giám sát thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc và được các tổ chức quốc tế sử dụng, đánh giá cao. Tổng cục Thống kê cũng đã hoàn thành tốt vai trò là điều phối quốc gia trong Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, ông Thức cũng cho biết, trong tiến trình hội nhập sâu rộng, thách thức lớn nhất với Tổng cục Thống kê là phải nhanh chóng tiếp thu phương pháp thống kê hiện đại, hoàn thiện phương pháp nghiệp vụ chuyên môn thống kê, đổi mới và hoàn chỉnh các hệ thống chỉ tiêu thống kê phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Có như vậy, thông tin thống kê mới thực sự là căn cứ không thể thiếu phục vụ đắc lực các hoạt động quản lý, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước và của các đối tượng sử dụng khác.

Vì vậy, cùng với những nỗ lực của ngành thống kê trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin thống kê, chất lượng nguồn nhân lực thống kê, “Việt Nam với tư cách là người sử dụng số liệu thống kê cần dành nhiều hơn nữa các nguồn lực để tăng cường năng lực thống kê quốc gia” đúng như đề nghị mới đây của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục