Sóng dài hay ngắn?

VN-Index tăng điểm - Sóng dài hay ngắn?

Các chuyên gia cho rằng chưa thể lạc quan về sự phục hồi lâu dài của thị trường vì chưa xuất hiện những thông tin mang tính vĩ mô tốt.
Nhận định xu hướng thị trường qua các tín hiệu kỹ thuật sau phiên tăng đầy hứng khởi ngày 23/7, vượt ngưỡng cản 450 điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán phố Wall lạc quan: "Khả năng sóng 5 bắt đầu hình thành và VN-Index có thể vượt 520 điểm đợt này!"

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, xét về tâm lý, các nhà đầu tư đã chọn mốc đầu tư hợp lý đối với VN-Index quanh 420 điểm. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của công ty này, việc VN-Index bùng tăng ở 2 phiên cuối tuần, đặc biệt là phiên 23/7 tăng tới hơn 20 điểm, thì nhiều khả năng mang tính kỹ thuật vì thị trường chưa xuất hiện những thông tin mang tính vĩ mô tốt.

Hiện tại, chỉ số lạm phát của tháng 7 vẫn đang là một ẩn số và thời hạn công bố đã gần kề. Cạnh đó, những điều chỉnh trong chính sách ngăn chặn tái lạm phát và thắt chặt tín dụng của nhà nước vẫn còn là lực cản đáng chú ý trong thời gian tới.

Đồng thuận với ý kiến chưa thể lạc quan với tín hiệu phục hồi của VN-Index ở hai phiên cuối tuần trước, phân tích của Công ty Chứng khoán Đại Việt (DVSC) cho rằng, tâm lý lạc quan từ thị trường chứng khoán thế giới và sự hỗ trợ mạnh của khối đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân vào các cổ phiếu blue-chips, đặc biệt là cổ phiếu thuộc khối ngân hàng.

Động thái này đã kích thích nhiều nhà đầu tư giải ngân theo hiệu ứng "tâm lý đám đông". Tốc độ giải ngân của dòng tiền quá nhanh khiến giá cổ phiếu đồng loạt tăng kịch trần, bất chấp cổ phiếu tốt, xấu. Điều này phản ánh nhà đầu tư đang bị chi phối bởi tâm lý.

Thống kê của DVSC cho thấy các cổ phiếu như HPG, DPM, FPT, HAG, VNM… chỉ giảm nhẹ so với thời điểm VN-Index ở mốc 520 điểm, vì vậy khả năng tăng giá cao nữa ở những mã cổ phiếu này là khó khả thi.

Và khi những mã trụ cột của thị trường không tăng mạnh thì xu hướng tăng của thị trường khó có thể kéo dài được lâu, nhất là trong bối cảnh dòng tiền cho chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng và thanh khoản của thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Theo ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Chi nhánh Chương Dương của Công ty Chứng khoán APEC, nhà đầu tư nhỏ cần thận trọng tìm hiểu rõ động lực nào đang giúp VN-Index tăng điểm, cụ thể là khối nhà đầu tư nào đang mua vào?

Nếu bên mua là khối tổ chức thì khả năng VN-Index tăng bền vững. Hiện giá cổ phiếu đang được coi là khá cao (P/E đang ở mức 15-18 lần) nên được xem là mức giá chưa phù hợp với nguyên tắc đầu tư của tổ chức. Còn khối các nhà đầu tư nhỏ thì không thể bạo tay đặt lệnh dư mua trần với khối lượng lớn như ở phiên cuối tuần qua.

"Tôi cho rằng hiện tượng tăng điểm của VN-Index hiện nay do yếu tố kỹ thuật nhiều hơn. Do đó, nhà đầu tư nhỏ cần thận trọng nhận diện đợt tăng điểm này của VN-Index. Theo nguyên tắc kỹ thuật, chỉ khi VN-Index vượt khỏi 520 điểm với khối lượng giao dịch đủ lớn (từ 40-50 triệu cổ phiếu/phiên) mới nên tham gia thị trường", ông Kim chia sẻ./.

(Tin tức/TTXVN)

Tin cùng chuyên mục