VN-Index vẫn còn động lực tăng để hướng tới ngưỡng 1.280 điểm trong ngắn hạn

Những thông tin tích cực trong nước sẽ là bệ đỡ cho thị trường. Thêm vào đó, dòng tiền hiện khá quyết liệt, nhờ hậu thuẫn từ môi trường lãi suất thấp và kỳ vọng về nâng hạng thị trường sắp tới.

Kết thúc tuần này, VN-INDEX tăng 1,32% so với tuần trước và lên mức 1.263,78 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
Kết thúc tuần này, VN-INDEX tăng 1,32% so với tuần trước và lên mức 1.263,78 điểm. (Ảnh: Vietnam+)

Nối tiếp tuần trước đó, thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần giao dịch rung lắc mạnh, song tâm lý nhà đầu tư có chiều hướng tích cực hơn.

Kết thúc tuần này, VN-INDEX tăng 1,32% so với tuần trước và lên mức 1.263,78 điểm. Chỉ số duy trì xu hướng tích cực trên vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm-1.255 điểm. Bên cạnh đó, HNX-INDEX đóng cửa ở mức 239,54 điểm sau khi tăng 1,36% so với tuần trước.

VN-Index biến động liên tục

Về diễn biến giao dịch, thông tin Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại (sau 4 tháng tạm ngưng) để điều tiết tỷ giá trong phiên đầu tuần đã kích hoạt tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư và khiến VN-Index giảm gần 12 điểm.

Tuy nhiên, sang đến phiên kế tiếp, dòng tiền gia tăng mạnh mẽ và giúp chỉ số hồi phục hơn 9 điểm. Nổi bật trong phiên, mã cổ phiếu VTP tăng giá kịch trần khi chuyển sàn lên HoSE. Cùng với đó, nhóm ngành cao su cũng chứng kiến mã GVR tăng “tím” với công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024-2025 rất khả quan.

Đà tăng của thị trường tiếp tục được cộng hưởng từ nhóm ngân hàng trong phiên giao dịch thứ ba của tuần (ngày 13/3), VN-Index có thêm 22 điểm trước thông tin Thủ tướng tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tâm lý giằng co bắt đầu xuất hiện ở phiên ngày 14/3 và khiến VN-Index điều chỉnh giảm 6 điểm. Điểm sáng trong phiên, nhóm cổ phiếu dầu khí đi ngược xu thế chung của thị trường với đà tăng giá ấn tượng nhờ thông tin khi giá dầu Brent tăng mạnh, cụ thể: GAS (+2,5%), PVD (+4,9%) và PVT (+6,9%).

Thị trường chốt tuần với phiên tái cơ cấu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Trong phiên, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đột biến và khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 11 điểm. Tuy nhiên, lực cầu của khối nội khá ổn định và giúp chỉ số thu hẹp khoảng cách rơi chỉ còn gần 1 điểm.

tien_12.jpg
Trong tuần, các nhà nước ngoài bán ròng 2.850 tỷ đồng trên cả ba sàn. (Ảnh: Vietnam+)

Thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện với giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 30.135 tỷ đồng/phiên (tăng 15,7% so với tuần trước). Trong số đó, khối ngoại bán ròng chủ yếu trên sàn HoSE với giá trị 2.609 tỷ đồng (so với bán ròng 981,4 tỷ đồng tuần trước). Bên cạnh đó, họ cũng bán ròng trên sàn HNX và UpCoM lần lượt là 88 tỷ đồng và 152 tỷ đồng. Tổng cộng, các nhà nước ngoài bán ròng 2.850 tỷ đồng trên cả ba sàn.

VN-Index thử thách lại vùng kháng cự 1.280 điểm

Nhận định xu hướng thị trường trong tuần tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng tâm lý thị trường đang hướng tới sự kiện Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) họp về chính sách tiền tệ (trong ngày 19-20/3), đây là cơ hội để VN-INDEX kiểm tra lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.

“Thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của FED, cụ thể là thời điểm dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. Nếu kịch bản của FED đưa ra tương đồng so với kỳ vọng trước đó của giới đầu tư (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý I2 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024), thì thị trường hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực trên toàn cầu,” ông Hinh cho biết.

Quay lại các vấn đề trong nước, ông Hinh nhấn mạnh thị trường chứng khoán đã phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng nhà nước. Điều này nhờ có nhiều yếu tố hỗ trợ so với thời điểm cơ quan điều hành có động thái tượng tự vào năm 2023 (tháng 9 đến tháng 11). Đến nay, triển vọng phục hồi kinh tế đã rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 của các công ty niêm yết dự kiến là khá tích cực. Đây sẽ là bệ đỡ cho thị trường và dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt, nhờ hậu thuẫn từ môi trường lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường.

“Nhìn chung, xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu và ưu tiên phân bổ vào những nhóm cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản hỗ trợ, như nhóm cổ phiếu chứng khoán, tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp,’ ông Hinh nói.

Về kỹ thuật, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thị trường hồi phục trong tuần qua với VN-Index tăng tổng cộng 16,43 điểm. Và, dù tăng điểm nhưng chỉ số này vẫn đang trong khu vực có rung lắc mạnh bất thường. Vì vậy, thị trường cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể đi tới nhịp tăng điểm tiếp theo.

Theo ông Thành, VN-Index vẫn còn động lực tăng trong ngắn hạn để hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, song khả năng có rung lắc lớn với xu hướng điều chỉnh giảm trong bối cảnh đà tăng ngắn hạn suy yếu và tâm lý giảm hưng phấn.

Về trung hạn, ông Thành nhận định VN-Index đang có đà tăng mạnh nhưng vận động trên nền tích lũy chưa đủ dài và đủ tin cậy, nên khả năng thị trường sẽ hụt hơi sau nhịp tăng ngắn hạn và kênh tích lũy phù hợp sẽ là 1.150 điểm-1.250 điểm hoặc 1.300 điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục