VN tham gia tiến trình thông qua ngân sách LHQ

VN sẽ tham gia đầy đủ, tích cực vào tiến trình thương lượng nhằm đạt đồng thuận thông qua đề xuất ngân sách 2010-2011 của LHQ.
Đại sứ Bùi Thế Giang cam kết Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ, tích cực và xây dựng vào tiến trình thương lượng nhằm đạt đồng thuận thông qua đề xuất ngân sách chương trình Liên Hợp quốc cho hai năm 2010-2011.

Phát biểu tại cuộc họp thảo luận của Ủy ban 5 về các vấn đề tài chính-ngân sách của Liên hợp quốc, thảo luận báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về đề xuất ngân sách 2010-2011 và báo cáo của Ủy ban Tư vấn về các vấn đề hành chính và ngân sách (ACABQ), Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ghi nhận nỗ lực của Ban Thư ký Liên hợp quốc đã đệ trình kịp thời đề xuất ngân sách chương trình cho hai năm 2010-2011.

Đồng thời, Đại sứ cũng hoan nghênh các khuyến nghị có giá trị của ACABQ về nhiều vấn đề cụ thể trên các lĩnh vực quản lý, giám sát và đánh giá cao việc thực hiện các chương trình và hoạt động của Liên hợp quốc, đặc biệt trong cách tiếp cận lấy kết quả làm cơ sở tăng cường công tác quản lý.

Nhận xét về ngân sách dự kiến chương trình cho hai năm 2010-2011, tăng không đáng kể so với mức đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê duyệt tại Nghị quyết 63/266 năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế vẫn tác động sâu rộng, thiếu an ninh lương thực lương thực kéo dài, Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh sự cần thiết phải phân bổ công bằng và sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có.

Đại sứ cho rằng Liên hợp quốc cần đảm bảo minh bạch và công khai, tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn tài chính ngoài ngân sách thường xuyên, và có giải trình hợp lý đối với các quyết định chuẩn chi ngân sách.

Khẳng định vai trò trung tâm của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc lập kế hoạch, xây dựng chương trình, dự trù, giám sát và đánh giá thực hiện ngân sách, Đại sứ Bùi Thế Giang đề nghị toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc nỗ lực hơn nữa nhằm giảm mạnh chi phí hành chính, khai thác triệt để công nghệ thông tin, tăng thêm nguồn lực cho các hoạt động phát triển nhằm phục vụ các quốc gia thành viên, đặc biệt các nước đang phát triển, hiện chiếm đa số thành viên Liên hợp quốc và cũng chiếm đa số các quốc gia chịu tác động của khủng hoảng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục