VN-Index đứng trước ngưỡng 1.350 điểm do thị trường vẫn rất thận trọng

Trên thị trường, áp lực bán giải chấp duy trì ở mức rất cao và tạo ra lực cản lớn đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.
VN-Index đứng trước ngưỡng 1.350 điểm do thị trường vẫn rất thận trọng ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần lao dốc thứ ba liên tiếp với khoảng cách giảm điểm mạnh hơn hai tuần trước đó. Hơn nữa, thanh khoản trên thị trường cũng nâng lên, điều này cho thấy áp lực bán gia tăng rõ rệt.

Các nhóm ngành đồng loạt đi xuống

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 79,33 điểm (-5,4%) và xuống 1.379,23 điểm, HNX-Index mất 57,59 điểm (-13,8%), về mức 359,12 điểm.

Theo đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 41% (so với tuần trước đó), đạt 117.800 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 52% lên 3.863 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, giá trị giao dịch của sàn HNX cũng nhích 39% (so với tuần trước đó), đạt 12.746 tỷ đồng, khối lượng giao dịch lên 69% với 531 triệu cổ phiếu.

Về diễn biễn giao dịch, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 13% giá trị vốn hóa. Các phiên giao dịch trong tuần, giới đầu tư bán tháo chứng khoán trên diện rộng, các mã có mức điều chỉnh giảm mạnh, như PLX (-8,4%), BSR (-13,6%), OIL (-18,6%), PVD (-22,8%), PVS (-23,1%)...

Giá trị giao dịch theo ngành trong tuần, từ ngày 18-22/4:

VN-Index đứng trước ngưỡng 1.350 điểm do thị trường vẫn rất thận trọng ảnh 2(Nguồn: SHS)

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu công nghiệp cũng giảm 9% giá trị vốn hóa, trong đó DGC (-4%), DPM (-5,8%), DCM (-9,8%), HPG (-0,9%), HSG (-9%), NKG (-12,3%)... Các cổ phiếu ngành tài chính mất 8,2% giá trị vốn hóa, do chịu áp lực từ nhánh bất động sản với VIC (-3,7%), VHM (-9%), NVL (-3,7%)...và khu vực chứng khoán với SSI (-9,9%), HCM (-9,8%), VND (-6,1%)...

Ngoài ra, nhóm ngành công nghệ thông tin cũng mất tới 5% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ các cổ phiếu trụ cột như FPT (-3,4%), CMG (-3,2%)...,  ngành hàng tiêu dùng giảm 3,8% với các cổ phiếu tiêu biểu VNM (-0,8%), MSN (-1,4%), BHN (-2,1%)...

Ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm

Trái với động thái tháo chạy của các nhà đầu tư trong nước, khối ngoại có một tuần giao dịch tích cực. Họ mua ròng xấp xỉ 2.700 tỷ đồng trên hai sàn.

Xét về khối lượng, mã GEX được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất với 10 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là mã STB với 6 triệu cổ phiếu và mã VRE với 5,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, họ bán ròng rất mạnh tại mã CII với 4 triệu cổ phiếu và mã OCB với 3,1 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, ông Thắng cho hay các hợp đồng tương lai VN30 đang chênh lệch với chỉ số cơ sở (từ -3 đến 1 điểm). Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường sẽ giằng co và đi ngang trong vùng giá hiện tại.

Ông Nguyễn Đình Thắng chỉ ra VN-Index đã giảm tuần thứ ba liên tiếp với mức giảm hơn 9% và trong quá khứ gần đây nhất, chỉ số này cũng giảm ba tuần liên tiếp trong tháng 7/2021 với mức giảm 10,7%, tuy nhiên thị trường đã hồi phục trở lại và tăng điểm khá tốt sau đó.

Về phân tích kỹ thuật, ông Thắng đánh giá diễn biến thị trường là tương đối tiêu cực với bốn phiên giảm điểm liên tiếp và một phiên hồi phục đồng thời VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng quanh 1.420 điểm.

“Song có điều may mắn, lực cầu trên thị trường đã gia tăng nhanh chóng quanh ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm và giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm. Như vậy, VN-Index chưa xác nhận sẽ kết thúc sóng tăng để bước vào sóng điều chỉnh xuống với mục tiêu lý thuyết quanh 1.200 điểm,” ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, ngưỡng 1.350 điểm sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng mà nhà đầu tư cần quan sát trong tuần tới (ngày 25-29/4). Trường hợp thị trường có thể giữ vững được ngưỡng hỗ trợ này, ông Thắng kỳ vọng VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự trong khoảng 1.400-1.420 điểm.

Chỉ ra nguyên nhân lao dốc của thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết các nhóm cổ phiếu “đầu cơ” đã kích hoạt tình trạng bán giải chấp trên diện rộng.

“Áp lực bán giải chấp duy trì ở mức cao, cụ thể là tại nhóm cổ phiếu ‘đầu cơ’ và điều này tạo ra lực cản lớn đối với thị trường trong giai đoạn hiện nay. Trên thị trường, giới đầu tư vẫn có tâm lý hết sức thận trọng, đặc biệt là khi xuất hiện những phiên giảm điểm về cuối ngày do lực bán bất ngờ tăng mạnh (sau 14 giờ). Tuy nhiên, điểm tích cực là đà giảm giá ở nhóm cổ phiếu bluechip đã chậm lại cùng với đó là động thái của nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, đây là những yếu tố hỗ trợ thị trường,” ông  Hinh trao đổi.

Theo ông  Hinh, tuần tới, thông tin thị trường cần chú ý là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được công bố và phản ứng của thị trường tài chính quốc tế đối với ý định nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED); hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF trên thị trường chứng khoán trong nước (theo dõi chỉ số VNDIAMOND).

Do đó, ông Hinh nhận định VN-Index có thể giằng co mạnh trong tuần tới tại khu vực 1.350-1.420 điểm. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng ký quỹ, tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng hạ dần cổ phiếu tại nhóm “đầu cơ” và “tăng nóng” trong thời gian vừa qua.

Ông Hinh đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu cơ bản có triển vọng kinh doanh tích cực, như nhóm ngành ngân hàng, thủy điện, thực phẩm tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục