Vốn bảo trì đường bộ thiếu sẽ ảnh hưởng tới ‘tuổi thọ’ công trình

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hệ thống Quốc lộ còn khó khăn nên nhiều tuyến đường chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định.
Nhu cầu vốn bảo trì đường bộ còn thiếu nên nhiều tuyến đường vẫn đưa được sửa chữa theo đúng định kỳ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhu cầu vốn bảo trì đường bộ còn thiếu nên nhiều tuyến đường vẫn đưa được sửa chữa theo đúng định kỳ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Vốn cho công tác bảo trì đường bộ còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu đã khiến cho việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đã làm nhiều công trình bị giảm “tuổi thọ.”

Do đó, Tổng cục Đường bộ đã phải chắt chiu để “liệu cơm gắp mắm” những tuyến đường thực sự xuống cấp để đại tu thay “áo mới” và mong muốn cơ quan Nhà nước tăng chi phí bảo trì.

Hơn 60% Quốc lộ quá hạn sửa chữa định kỳ

Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng cục Đường bộ vào chiều ngày 7/1, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Tổng cục thực hiện nghiêm đấu thầu qua mạng 100%, tiết kiệm được nhiều kinh phí cho ngân sách Nhà nước; chất lượng bảo trì, duy tu bảo dưỡng được nâng cao; tăng cường hợp tác và triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới...

Theo ông Cường, công tác bảo đảm an toàn giao thông được quan tâm thực hiện, kịp thời xóa bỏ 100% điểm đen và xử lý nhiều điểm tiềm ẩn giao thông trên Quốc lộ, góp phần giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

Đặc biệt, việc kiểm soát tải trọng xe đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công hệ thống cân tự động tại Km78, Quốc lộ 5 và đã đưa vào thí điểm xử phạt gián tiếp từ ngày 15/8/2020, đạt hiệu quả cao, giảm chi phí đầu tư và hoạt động, kiểm soát được 100% xe quá tải, ngăn chặn tiêu cực.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng; triển khai phần mềm quản lý bến xe, quản lý vận tải; nâng cấp hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực vận tải.

Một điểm sáng cần phải được nhắc tới đó là trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 và thiên tai, bão lũ, tuy nhiên Tổng cục Đường bộ đã hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 và vượt kế hoạch về công tác quyết toán dự hoàn thành.

Đề cập đến việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, đến nay đã có 91 trạm thu phí trên toàn quốc được kết nối, vận hành thông suốt, đáp ứng tiến độ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.

[Sẽ phạt nặng nhà đầu tư BOT nếu để đường hư hỏng, gây mất an toàn]

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận vẫn còn một số khó khăn về nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hệ thống Quốc lộ giai đoạn 2016-2020 là 100.221 tỷ đồng nhưng thực tế Ngân sách Nhà nước chỉ cấp là 43.138 tỷ đồng (đáp ứng 43% nhu cầu).

Hiện nay, căn cứ vào thời gian sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường theo quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BGTVT, ông Cường tiết lộ vẫn còn đến 62% tổng chiều dài Quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ, tương đương 15.151km, trong đó 9.983km quá thời hạn trung tu và 5.168km quá thời hạn đại tu chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định do hạn chế về vốn.

“Với tình hình trên đã gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng Quốc lộ theo tiêu chuẩn thiết kế; ảnh hưởng đến ‘tuổi thọ’ công trình và khả năng khai thác của công trình,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đánh giá.

Ngoài ra, một số hợp đồng BOT triển khai giai đoạn 2011 về trước có vướng mắc do hệ thống pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT những năm qua vừa không đầy đủ, thiếu các nội dung cần thiết như tính lãi suất bảo toàn vốn chủ sở hữu, thời gian tạo lợi nhuận của nhà đầu tư. Vì thế, Tổng cục Đường bộ thương thảo với nhà đầu tư để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư, người dân và Nhà nước.

“Tổng cục đã tạm dừng thu phí một số dự án và đề nghị thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên các nhà đầu tư không thống nhất ký kết thúc hợp đồng, và không chuyển tài sản BOT cho Nhà nước theo quy định, nhưng nhà đầu tư không chịu thực hiện bảo trì,” ông Cường chỉ ra khó khăn.

Đề xuất tăng kinh phí bảo trì đường bộ

Đưa ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, theo ông Cường, Tổng cục Đường bộ tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên; rà soát, xử lý các điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong quá trình khai thác; tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng, giá trị thanh toán trong thực hiện các dự án sửa chữa đường bộ; phấn đấu giải ngân 100% vốn giao; siết chặt quản lý chất lượng; triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng cường chất lượng sửa chữa, nhất là vá sửa mặt đường; đẩy mạnh cào bóc tái chế...

Năm 2021, vốn bảo trì được thông báo là 9.986 tỷ đồng, Tổng cục đã chủ động cân đối, hoàn thành xây dựng kế hoạch bảo trì và dự toán chi năm 2021 phù hợp với nguồn vốn được cấp.

Vốn bảo trì đường bộ thiếu sẽ ảnh hưởng tới ‘tuổi thọ’ công trình ảnh 1Đơn vị nhà thầu tiến hành thảm bê tông nhựa trên một tuyến đường bộ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, Tổng cục rà soát, điều chỉnh phương án tài chính dự án BOT; xử lý các bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Đơn vị này cũng triển khai thực hiện Đề án quản lý lái xe và hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc; xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để chuyển giao cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, dự kiến thực hiện từ ngày 31/12/2021...

[Bộ GTVT kiến nghị tăng thêm 10% vốn bảo trì đường bộ mỗi năm]

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan có thẩm quyền cho phép tăng dần tổng chi kinh phí bảo trì hàng năm; bảo đảm mỗi năm tăng trên 15% để bù trượt giá, các công trình đầu tư mới xong đưa vào bảo trì, sửa chữa hết các hư hỏng hệ thống đường bộ, bổ sung và xử lý 100% điểm đen; gia cường các cầu yếu, cầu hẹp; hệ thống an toàn giao thông...

Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép Tổng cục tiếp nhận các dự án BOT đã tạm dừng thu phí và được bố trí vốn bảo trì của ngân sách Nhà nước để bảo trì các công trình này trong thời gian nhà đầu tư chưa thực hiện ký phụ lục kết thúc hợp đồng và chưa hoàn thành bàn giao tài sản cho Nhà nước./. 

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, năm 2020 đã xử lý 97 điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; sơn kẻ 1.354km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 2.225 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 184 km hộ lan phòng hộ...

Các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 162,4 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục