Ngày 15/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm địa phương với phần đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư của nhóm bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm khối D (khối tư nhân).
Bào chữa cho các bị cáo là đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm khối D, các luật sư đều thống nhất tội danh và khung hình phạt. Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng các bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo, đã khắc phục toàn bộ tiền thu lợi bất chính nên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng và xem xét nguyên nhân, động cơ, vai trò phạm tội, tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo, qua đó cho các bị cáo được hưởng mức án khoan hồng.
Đối đáp lại quan điểm trên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, đa số các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm khối D đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm cũng như số tiền chịu trách nhiệm hình sự và số tiền hưởng lợi của mỗi bị cáo. Qua đó, nhiều bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải, tự thú, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án.
Viện Kiểm sát đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ để đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo.
Về tình tiết tăng nặng, các bị cáo chủ yếu bị áp dụng tình tiết “có tổ chức” và “phạm tội hai lần trở lên." Viện Kiểm sát dẫn chứng trường hợp của bị cáo Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Giám đốc Trung tâm đăng kiển 50-15D (bị đề nghị từ 18-21 năm tù) được luật sư bào chữa đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng và cho hưởng mức án dưới 10 năm tù.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và xét hỏi cho thấy hành vi nhận hối lộ từ chủ phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm 50-15D là bắt nguồn từ chủ trương của chính Nguyễn Trọng Vĩnh sau khi đã bàn bạc, thống nhất cùng Đoàn Hải Linh - cựu Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-15D và các đăng kiểm viên thực hiện với số tiền 100.000 đồng đến 700.000 đồng/phương tiện.
Việc nhận tiền do bị cáo Vũ Hữu Bình (cựu nhân viên giám sát tại Trung tâm 50-15D) trực tiếp thỏa thuận và nhận tiền từ các “cò” đăng kiểm với số tiền theo từng loại xe: ôtô con là 100.000 đồng/xe; ôtô tải nhỏ, ôtô tải lớn và xe 16 chỗ là 200.000 đồng/xe; ôtô trên 16 chỗ, xe lớn là 300.000 đồng/xe; đối với các lỗi nghiêm trọng như mâm không đúng kích thước, lốp mòn, biển số mờ... thì nâng số tiền từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng/xe.
Hằng ngày, khi thực hiện công tác đăng kiểm, trên mỗi hồ sơ của các “cò” đăng kiểm đều có ký hiệu đặc biệt để Vũ Hữu Bình nhận biết. Bình sẽ thông báo đến các đăng kiểm viên biết để kiểm định đạt cho các phương tiện, nếu phát hiện lỗi sẽ chủ động bỏ qua. Hằng ngày, số tiền hối lộ nhận được, Vũ Hữu Bình cất giữ vào tủ cá nhân và báo trực tiếp cho Nguyễn Trọng Vĩnh vào cuối ngày.
Theo chỉ đạo của Vĩnh, sau khoảng từ 1 đến 2 tuần hoặc khi được nhiều tiền, Bình sẽ chia số tiền nhận được theo tỷ lệ Vĩnh, Linh mỗi người được chia 8 triệu đồng/tháng, các đăng kiểm viên và Bình được chia 6 triệu đồng/tháng.
Tương tự, tại Trung tâm đăng kiểm 50-13D, bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm 50-13D - đã đưa bị cáo Lê Văn Nguyên (cha vợ của bị cáo Khánh) vào phụ bán căn tin tại trung tâm và chỉ đạo ban giám đốc, các đăng kiểm viên để Nguyên trực tiếp nhận tiền hối lộ từ chủ xe, tài xế, cò đăng kiểm nhằm bỏ qua các lỗi xe đến đăng kiểm.
Nguyên thỏa thuận với chủ phương tiện, tài xế, cò đăng kiểm yêu cầu chủ xe, tài xế và cò đăng kiểm phải đưa tiền hối lộ từng loại xe cụ thể từ 100.000-600.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, Nguyên nhận hối lộ 3-12 triệu đồng.
Cuối tháng, Nguyên thống kê số tiền thu được chia cho các đăng kiểm viên, trung bình 3-8 triệu đồng/người/tháng, chia cho nhân viên 1-2 triệu đồng/người/tháng.
Với những hành vi phạm tội tinh vi, có tổ chức như trên, Viện Kiểm sát kết luận các bị cáo là giám đốc trung tâm, trưởng chuyền và các đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm 50-13D và 50-15D đều phải bị áp dụng tình tiết có tổ chức và phạm tội hai lần trở lên.
Lập luận này cũng được Viện Kiểm sát áp dụng với các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm khối tư nhân còn lại trong vụ án do các trung tâm này cũng đã thực hiện chủ trương từ các bị cáo là ban giám đốc để bỏ lỗi và nhận tiền từ các chủ phương tiện đến đăng kiểm.
Trong số các bị cáo thuộc khối trung tâm đăng kiểm tư nhân có bị cáo Trần Văn Thương, cựu Giám đốc Công ty Lâm Hà Trúc (góp vốn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-15D) xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trước khi góp vốn tại Trung tâm đăng kiểm 50-15D, Thương là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt, nay là Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo cáo trạng, bị cáo Thương đã cùng Nguyễn Trọng Vĩnh đưa hối lộ cho cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình 2.000 USD để được kiểm chuẩn lần đầu tại Trung tâm đăng kiểm 50-15D.
Thương cũng là người đại diện công ty nhưng không trực tiếp điều hành mà giao toàn quyền quyết định tại Trung tâm đăng kiểm 50-15D cho Vĩnh và Linh.
Bị cáo Trần Văn Thương bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 2-3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4-5 năm về tội "đưa hối lộ”./.
Vụ án Cục Đăng kiểm Việt Nam: Một số bị cáo sử dụng yếu tố hoàn cảnh để bao biện
Viện Kiểm sát cho rằng, khi các luật sư đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng thì có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm.