Dư luận và cộng đồng nhà đầu tư đang bức xúc xoay quanh câu chuyện "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, nhất là đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này.
Trước đó vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết cũng thực hiện hành vi vi phạm tương tự nhưng chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng. Lúc này dư luận đặt câu hỏi liệu khuôn khổ pháp lý và việc thực thi đã đủ tính răn đe?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết nhiều nhà đầu tư suy sụp khi cho rằng đã bị "đánh úp" vì trên cổng thông tin của HOSE không xuất hiện thông tin đăng ký bán, dù theo quy định ông Quyết buộc phải gửi thông tin.
Việc "bán chui" cổ phiếu của Chủ tịch FLC có tác động sâu rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn so với thực tế vì làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc lãnh đạo của một doanh nghiệp "bán chui" cổ phiếu cũng khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mất niềm tin, trở thành hiện tượng không đáng có trên thị trường, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình. Việc làm này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Luật sư Bình cho biết thêm hiện các tổ chức, cá nhân mua "bán chui" cổ phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định nếu giá trị "giao dịch chui" theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng thì bị phạt từ 5-250 triệu đồng.
Trường hợp giá trị giao dịch theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt từ 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế. Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 10/1, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC và giả sử khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu, chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng thì ông Quyết có thể thu về khoảng 1.580 tỷ đồng.
[Hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết]
Tuy nhiên, mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỷ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung từ 3-5%, ông Quyết chỉ bị phạt từ 22,4-37,4 tỷ đồng. So với lợi nhuận đem lại thì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Luật sư Bình cũng cho rằng không thể để sai phạm xảy ra rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai hệ thống sẽ không cho phép những người bị hạn chế giao dịch được tự do giao dịch bình thường. Như vậy, những sai phạm "bán chui” cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh. Do đó về mặt luật pháp, phải tăng nặng mức xử phạt hành chính cũng như hình sự để có tác dụng răn đe. Với ông Trịnh Văn Quyết, hành vi là tái phạm nên không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính.
Nếu chỉ áp dụng quy định về xử phạt hành chính dù là mức tối đa 1,5 tỷ đồng với việc vi phạm quy định công bố thông tin thì cũng không đủ sức ngăn ngừa vi phạm.
Theo phản ánh của các chuyên gia tài chính, hành vi này có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính. Vì vậy, có thể các cơ quan chức năng cần phải xem xét truy tố về tội hình sự.
Điều 209 Bộ luật Hình sự nêu rõ người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán… thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong trường hợp gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1-3 tỷ đồng; thu lợi bất chính dưới 1 tỷ đồng.
Trường hợp thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư trên 3 tỷ đồng thì đối tượng vi phạm bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Ngoài ra, hành vi của ông Quyết có thể đã gây ra thiệt hại lớn cho các cổ đông. Do đó, các nhà đầu tư có thể khởi kiện đối với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết dù biết rằng việc chứng minh thiệt hại không hề dễ dàng.
Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh-Thiên Thanh, thị trường chứng khoán là nơi việc đầu tư, mua bán cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin dù ở Việt Nam hay các thị trường lâu đời khác.
Việc tuân thủ quy trình mua bán cũng như bảo mật, tiết lộ thông tin, công bố thông tin, khống chế thông tin, lũng đoạn thông tin đều là những hành vi vi phạm pháp luật ở bất kỳ thị trường chứng khoán nào.
“Tôi cho rằng việc nhà đầu tư đề nghị, mong muốn xử lý ở mức nghiêm khắc nhất là hoàn toàn phù hợp," luật sư Nguyễn Thế Truyền nói.
Theo vị luật sư này, việc vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết là tái phạm chứ không phải lần đầu. Vì vậy, việc xử lý nghiêm khắc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán như làm trong sạch, tạo sự công bằng trong thị trường, đồng thời củng cố niềm tin vào thị trường và quan trọng hơn là tính răn đe, giáo dục phòng ngừa đối với loại hành vi vi phạm tương tự xảy ra trong tương lai.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng cho rằng chế tài xử phạt các hành vi trong lĩnh vực chứng khoán rõ ràng đang có những bất cập. Sự bất cập này do cách tiến hành xây dựng các quy phạm pháp luật ở nước ta có những hạn chế, nhất là các lĩnh vực mới, hình thức, giá trị, cách thức đều không tuân theo quy luật truyền thống.
Các cơ sở làm căn cứ trong cách đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính liên tục bị lỗi thời do sự phát triển của kinh tế-xã hội vượt quá xa khả năng ứng biến của các quy định pháp luật.
Cách xây dựng chế tài của Việt Nam cũng có những bất cập cho người thừa hành vì người xây dựng và người thừa hành dường như tách rời, không liên quan đến nhau trong quá trình xây dựng.
Năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết cũng có hành vi vi phạm tương tự nhưng chỉ bị phạt tiền 65 triệu đồng trong khi trục lợi và lợi ích mang lại gấp hàng chục lần, các chế tài bổ sung như cấm giao dịch một thời gian với các nhân, tổ chức nào đó lại không hoàn toàn được thực thi một cách triệt để trên thực tế. Bởi lẽ, họ có thể thực hiện giao dịch thông qua rất nhiều tài khoản, cá nhân, tổ chức khác.
Theo luật sư Truyền, chiều tối 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã căn cứ chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tuyên bố hủy giao dịch gần 75 triệu cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết. Tác động của quyết định này đến giá cổ phiếu FLC rất dễ kiểm chứng và điều dễ thấy trên bảng điện của phiên giao dịch đầu ngày 12/1.
Theo quy định tại "Điều 4 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, chỉ có hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1-12 tháng, nghĩa là vi phạm xảy ra thì mới đình chỉ, chứ không phải hủy bỏ giao dịch vi phạm."
Tuy nhiên, cũng cần xem Điều 306 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Điều luật này quy định các biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Các vi phạm tại Điều 7 và Điều 4 Luật Chứng khoán có thể khiến cá nhân vi phạm bị cấm chào bán, phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Điều 209 Bộ Luật Hình sự thậm chí còn bỏ tù người vi phạm. Hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, có thể phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 5 tỷ đồng.
Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi vi phạm "bán chui” cổ phiếu theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự. Những sai phạm "bán chui” cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin./.