Sau sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, ngành đường sắt đã có sự điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, số đôi tàu hàng và khách đều giảm từ 3-4 đôi/ngày.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt phải lập mới 57 đôi tàu chuyển tải hành khách đoạn Sài Gòn-Sóng Thần và kết hợp với chuyển tải bằng ôtô đoạn Sóng Thần-Biên Hòa.
Báo cáo của VNR cho thấy, hiện tại, Tổng công ty vẫn duy trì tổ chức chạy 8 đôi tàu/ngày gồm tuyến Hà Nội-Sài Gòn tổ chức chạy 03 đôi tàu TN1/2, SE3/4, SE5/6; tuyến Sài Gòn-Quy Nhơn tổ chức chạy 01 đôi tàu SE25/26; tuyến Sài Gòn-Vinh chạy 1 đôi tàu SE21/22; tuyến Sài Gòn-Nha Trang tổ chức chạy 1 đôi tàu SNT5/2. Tất cả các đôi tàu này đều phải chuyển tải đoạn Sóng Thần-Biên Hòa bằng ôtô. Riêng tuyến Hà Nội-Nha Trang tổ chức chạy 02 đôi tàu SE1/2, SE7/8.
Như vậy, số đôi tàu phải giảm do sự cố sập cầu Ghềnh là 03 đôi tàu/ngày, tuy nhiên, VNR đã phải lập mới 57 đôi tàu chuyển tải hành khách đoạn Sài Gòn-Sóng Thần và kết hợp với chuyển tải bằng ôtô đoạn Sóng Thần-Biên Hòa.
Về vận tải hàng hóa, ngay sau khi xảy ra sự cố cầu Ghềnh, VNR đã tổ chức thay đổi vị trí xếp, dỡ cho toàn bộ các đoàn tàu chuyên tuyến đồng thời tổ chức giải thể đoàn tàu, xếp dỡ tại ga Trảng Bom và Hố Nai. Hiện nay, đã giải phóng được toàn bộ hàng hóa cho 14 đoàn tàu và tổ chức xếp dỡ khôi phục tàu chuyên tuyến 4 đôi/ngày. Như vậy, số đôi tàu hàng giảm do sự cố sập cầu là 04 đôi/ngày.
Để tăng năng lực vận chuyển, xếp dỡ, ngành đường sắt cũng khẩn trương triển khai việc cải tạo, nâng cấp nhà ga, bãi hàng, đường xếp dỡ tại ga Biên Hòa (dự kiến hoàn thành trước ngày 22/4), Hố Nai và Trảng Bom (dự kiến hoàn thành trước ngày 12/4) nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến hành khách đi tàu và chủ hàng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Nhằm duy trì ổn định công tác vận tải hàng hóa và hành khách, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến hành khách đi tàu và chủ hàng, trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt sẽ thực hiện việc di chuyển toa xe, máy móc thiết bị, bố trí lại toàn bộ đội hình kiểm tra kỹ thuật, chỉnh bị toa xe từ Sài Gòn ra Biên Hòa; xây dựng lại phương án lập tàu, bố trí đầu máy, chuyển toa xe, cấp nhiên liệu, điều chỉnh phương án bán vé, xây dựng giải pháp hỗ trợ khách hàng… để có thể triển khai bổ sung chạy một số đôi tàu.
Trong ngày 1/4, cầu Ghềnh đã chính thức được khởi công và phấn đấu thi công đảm bảo tiến độ xong trước 15/7 tới.
Cầu Ghềnh mới được xây dựng với 3 nhịp có chiều dài các nhịp là 75+75+75m. Dầm cầu làm bằng dàn vòm thép. Cầu Ghềnh mới sẽ được nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray lên khoảng 2,2m so với cầu Ghềnh cũ; đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3. Phần hành lang phía thượng nguồn sẽ mở rộng 2,4m để cho các phương tiện xe máy và xe đạp đi lại 2 chiều, mỗi chiều 1,2m.
Để huy động mọi nguồn lực, kịp thời khắc phục sự cố do tai nạn sập cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt cũng đã phát động thi đua trên công trình khôi phục khẩn cấp cầu Ghềnh bằng mọi biện pháp nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải; xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Ghềnh trong thời gian sớm nhất với mục tiêu “An toàn-chất lượng-tiến độ-hiệu quả”./.