Vụ tấn công mạng toàn cầu: Mã độc mới vẫn đang hoành hành

4 ngày sau vụ tấn công mạng toàn cầu và thủ phạm là một ransomware mới chưa từng xuất hiện, hoạt động của cảng biển Rotterdam vẫn bị đình trệ nghiêm trọng.
Vụ tấn công mạng toàn cầu: Mã độc mới vẫn đang hoành hành ảnh 1WPP - Công ty quảng cáo lớn nhất của Anh cũng cho biết hệ thống máy tính tại nhiều đại lý của công ty này đã bị mã độc Petrwrap tấn công ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

4 ngày sau các vụ tấn công mã độc đòi tiền chuộc mới và thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng toàn cầu ngày 27/6 vừa qua không phải là biến thể của ransomware Petya mà là một ransomware mới chưa từng xuất hiện, hoạt động của cảng biển Rotterdam (Hà Lan) vẫn bị đình trệ nghiêm trọng.

Truyền thông Hà Lan ngày 30/6 đưa tin hệ thống cầu cảng container tại cảng Rotterdam hiện vẫn chưa thể hoạt động trở lại, từ đó ảnh hưởng tới các khu vực khác của cảng biển tại Hà Lan này.

Hàng nghìn máy tính bị tê liệt trong khi nhiều cảng biển, nhà máy và văn phòng trên thế giới đã phải đóng cửa do vụ tấn công mạng này.

Sau loạt vụ tấn công mới này, nhiều chuyên gia đánh giá việc tìm ra giải pháp cho cuộc tấn công mạng lần này có thể sẽ kéo dài lâu hơn so với vụ "Wannacry."

[Kaspersky Lab công bố thông tin bất ngờ về thủ phạm tấn công mạng]

Công ty cung cấp dịch vụ chống virus và an ninh mạng đa quốc gia Kaspersky Lab của Nga cho biết các vụ tấn công mã độc đòi tiền chuộc mới "đang có xu hướng gia tăng" và thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng toàn cầu mới nhất này không phải là biến thể của ransomware Petya như các thông tin trước đó.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Kaspersky Lab cho thấy mã độc đòi tiền chuộc trong vụ tấn công mạng mới đây khác biệt đáng kể so với tất cả các phiên bản mã độc Petya - thủ phạm tấn công hệ thống máy tính toàn cầu năm 2016 - được biết đến trước đó.

Các chuyên gia khẳng định đây không phải là biến thể của ransomware Petya, mà là một ransomware mới chưa từng xuất hiện. Kaspersky Lab đặt tên cho ransomware mới này là "NotPetya" hay "ExPetr."

Theo số liệu từ các hệ thống giám sát của Kasperksy Lab, đã có khoảng 2.000 cuộc tấn công liên quan đến ramsomware mới này tính đến thời điểm hiện tại. Các tổ chức bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Nga và Ukraine.

Ngoài ra, Kaspersky Lab cũng ghi nhận các cuộc tấn công khác ở Ba Lan, Italy, Anh, Đức, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Cùng ngày 30/6, Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) thông báo đã thu giữ một số thiết bị mà họ cho là thuộc về các đặc vụ Nga khi điều tra thủ phạm tiến hành các vụ tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu vừa qua. Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục