Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học trên thế giới đã liên tục tranh luận về việc nên tiêm hay uống vắcxin và đâu là lựa chọn tốt nhất để phòng chống hiệu quả bệnh bại liệt.
Giờ đây, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng sử dụng song song cả hai phương pháp này đem lai hiệu quả tối ưu nhất.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ đăng trên báo Bưu điện Tài chính của Canada ngày 22/8 cho biết, sử dụng ít nhất một liều vắcxin tiêm (IPV) sau khi đã dùng vắcxin uống (OPV) sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ và hạn chế tối đa khả năng di chuyển của virus bại liệt. Sự kết hợp này tốt hơn nhiều so với việc dùng hai liều OPV.
Nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ thực hiện Sáng kiến xóa bỏ bệnh bại liệt toàn cầu. Các nhà khoa học Ấn Độ đã phân tích những phản ứng của cơ thể trẻ thuộc 3 nhóm khác nhau.
Các trẻ ở cả 3 nhóm đều được cho uống OPV trong đợt đầu, nhưng trong đợt thứ hai thì được cho dùng OPV, IPV hoặc giả dược.
Kết quả cho thấy những trẻ được dùng IPV trong đợt thứ hai có khả năng miễn dịch tốt nhất với virus bại liệt.
Theo nhóm nhà khoa học, trong quá trình nghiên cứu, họ đã tìm được đầy đủ bằng chứng cho thấy IPV làm tăng khả năng miễn dịch đường ruột ở trẻ cao hơn nhiều so với OPV. Đây là phát hiện hết sức quan trọng vì virus bại liệt thường lây nhiễm và xâm nhập vào cơ thể qua đường ruột.
Từ năm 1988, thế giới đã phát động chiến dịch ngăn chặn bệnh bại liệt với mục tiêu loại trừ hoàn toàn căn bệnh này khi con người bước vào thiên niên kỷ mới.
Tuy nhiên, các chủng virus bại liệt tỏ ra "cứng đầu" hơn nhiều so với nhiều loại virus khác như đậu mùa chẳng hạn.
Hiện tại, bệnh bại liệt vẫn đang hoành hành tại một số quốc gia như Pakistan, Afghanistan, Nigeria và một số quốc gia khác ở châu Phi, Trung Đông.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 146 trường hợp mắc bệnh bại liệt tại 9 quốc gia châu Phi, Trung Đông và Nam Á, trong đó có tới 115 bệnh nhân ở Pakistan./.