Họa sỹ trẻ 24 tuổi Trịnh Cẩm Nhi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nổi tiếng, cô là con gái của nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật, họa sỹ Trịnh Tú.
Ông nội của Trịnh Cẩm Nhi chính là họa sỹ thiền sư Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997), người nổi danh không chỉ ở hội họa mà còn là một nhà thiết kế nội thất với thương hiệu nội thất MEMO lừng danh đầu thế kỉ 20, là người truyền cảm hứng nghệ thuật thiết kế nội thất đến thế hệ nghệ sĩ ngày nay.
Những tác phẩm và quan niệm sống của ông đã đem lại những ảnh hưởng lớn về cách sống, sự lựa chọn và tư duy nghề nghiệp. Ông có hơn 600 tác phẩm hội họa, một số tác phẩm thiết kế đồ gỗ đã đi vào lịch sử.
Những người bác, người cô của Cẩm Nhi đều là những gương mặt nghệ sỹ, học giả ưu tú như dịch giả Trịnh Lữ (“Rừng Nauy,”“Cuộc đời của Pi,” “Đại gia Gatsby”...), nhạc sỹ piano Trịnh Thị Nhàn, họa sỹ Trịnh Thị Nhã…
Triển lãm đầu tiên của Trịnh Cẩm Nhi - “Vườn địa đàng: Garden of unknowing” sẽ diễn ra từ ngày 28/11- 7/12/2020, tại Trung tâm văn hóa Italy, Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dưới đây là phần phỏng vấn ngắn của VietnamPlus với Cẩm Nhi trước ngày khai mạc triển lãm.
Sinh ra trong gia đình tập hợp nhiều nghệ sỹ, họa sỹ ưu tú, bạn có chịu ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật của ai không?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Từ khi sinh ra tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật, việc vẽ đối với tôi là một việc rất tự nhiên. Người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất có lẽ là bố, dù phong cách của hai bố con không hề giống nhau.
Tôi nghĩ tôi được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự tình cảm trong nét vẽ của bố. Tuy vậy màu sắc ông dùng thường nhẹ nhàng, trung tính, mỗi tranh bố vẽ đều có một gam màu chủ đạo mang một xúc cảm nhất định, còn tôi thì không trung thành được với chỉ 1 gam màu hay chỉ một xúc cảm khi vẽ một bức tranh.
Năm 2014, bạn từng đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh theo phong cách Amedeo Modigliani do Casa Italia (Trung tâm văn hóa Italy tại Việt Nam) tổ chức. Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào đối với bạn?
Họa sỹ Trịnh Cẩm NhiNó là bước khởi đầu cho hành trình đi Ý của tôi. Tuy yêu thích vẽ từ nhỏ nhưng bấy giờ tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đi du học ngành hội họa cho đến năm 2014.
Giải thưởng là bước ngoặt để tôi tập trung nghiên cứu, cân nhắc quyết định đi học ở Ý bởi đây là cái nôi của thời kỳ hội họa Phục Hưng, Ba-rốc.
Tôi tin Florence, Roma là những thành phố phù hợp để có thể nghiên cứu, học hành bài bản
Được biết hồi tháng 6 năm nay, bạn đã tốt nghiệp loại xuất sắc tại Học viện Mỹ thuật Roma, Italy. Để có thành tích này, bạn đã phải nỗ lực nhiều đúng không?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Đúng là phải nỗ lực nhiều. Đầu tiên tôi chịu rào cản về ngôn ngữ vì phải học hoàn toàn bằng tiếng Ý, sinh viên cũng phải tự nghiên cứu nhiều. Mọi người thường hỏi tôi rằng đi học vẽ thì học những gì vì thường họ nghĩ rằng ngành hội họa thì chỉ vẽ thôi, nhưng thực ra là có nhiều hơn như vậy.
Chương trình đào tạo trường tôi khá nặng về lý thuyết, kiến thức hàn lâm, đặc biệt là các môn triết học, lịch sử nghệ thuật, tâm lý học nghệ thuật…
Mỗi thầy giáo lại có một phong cách dạy khác nhau, có người thiên về lý thuyết, có người nặng về kỹ thuật... tôi may mắn vì chọn được một người thầy cởi mở và khơi gợi nhiều ý tưởng.
Là một danh họa nổi tiếng ở chủ nghĩa biểu hiện, trường phái dã thú, nghệ thuật hiện đại thời kỷ nửa đầu thế kỷ 20, Amedeo Modigliani đã có ảnh hưởng lên bạn như thế nào?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Tôi thích sự tình cảm ông ấy dành cho các nhân vật trong các bức tranh, hầu hết ông vẽ phụ nữ, nhưng quan trọng hơn cả là ông vẽ những thân phận, những con người thật với những câu chuyện riêng tư, chứ không đơn thuần vẽ phụ nữ như một đối tượng của cái đẹp hay tính dục.
Triển lãm “Vườn địa đàng” sẽ là sự thể hiện của những bước chuyển biến trong suy nghĩ và nhận thức của bạn?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Đúng vậy, vì khởi đầu tôi thích vẽ hoa và chân dung bạn bè, dần dần những hoa và chân dung ấy không chỉ đơn thuần là mẫu vẽ nữa, hình của hoa đã khơi gợi cho tôi cảm thức về tính nữ, về tình yêu, tình dục, về tuổi trẻ và những biến chuyển của tâm lý.
Từ đó tôi muốn đặt hoa trong những không gian nhiều tính biểu tượng hơn, sử dụng nhịp điệu của màu sắc, hình khối, không gian để mô tả những chuyển động của nội tâm. ý tưởng về vườn địa đàng bắt đầu từ đó.
“Vườn địa đàng” trong sách Sáng thế không chỉ đơn thuần là nơi thượng đế tạo ra người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, đó còn là khu vườn của những điều “chưa biết” và “sẽ biết,” của thơ ngây và đổ vỡ thơ ngây-nơi mà con người chưa ý thức về bản ngã người của mình, vẫn còn sống trong một thực tại hoàn toàn khác.
Đối với tôi, Khu vườn ấy (dĩ nhiên) không phải một nơi chốn trong không gian- thời gian mà là một trạng thái tinh thần không dễ đạt được, một “khu vườn” tinh khôi nằm khuất đâu đó trong mỗi chúng ta, chỉ có thể bước vào được khi ta đã quên đi chính mình.
Tất nhiên tôi không phải là người đã giác ngộ, nhưng khi thực hành nghệ thuật tôi cảm thấy mình đã luôn luôn tiến gần vào vườn địa đàng một cách rất tự nhiên.
Triển lãm này để đánh dấu 5 năm hạnh phúc mà tôi may mắn được học tập và sống ở nước Ý, nơi mà thời gian như ngưng đọng lại trong những di sản văn hoá khổng lồ.
Đó cũng là năm tháng của sự trưởng thành, của “chưa biết” và “sẽ biết,”của nhận ra và lãng quên chính mình. Nói cách khác, triển lãm này là sự tri ân cho tuổi trẻ, để khép lại một chặng đường và mở ra một chặng đường mới. Dường như mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu.
Chủ thể trong tranh của bạn thường là phụ nữ và hoa, đây có phải hai nguồn cảm hứng chính của bạn?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Tôi nghĩ bản thân mình là một người khá nữ tính. Một cách tự nhiên, tôi rất thích các loại hoa nên đã vẽ hoa.
Nhưng sau đó, những bông hoa gợi mở thêm cho tôi ý tưởng khác nữ về phụ nữ, tính nữ và những chuyển động nội tâm. Từ đó tôi đặt hoa trong những không gian khác: hoa trong không gian với phụ nữ, phụ nữ trong không gian với hoa.
Về sau sẽ là hoa trong một không gian siêu thực, như "vườn địa đàng" này.
Khi vẽ cơ thể người, dường như bạn không muốn tuân theo những tỷ lệ, quy tắc giải phẫu cơ thể người?
Họa sỹ Trịnh Cẩm Nhi: Tôi không muốn vẽ người hoàn hảo, chỉ là 'vẽ người' thôi, vì con người, vốn là không ai hoàn hảo cả.
Xin cảm ơn Nhi vì đã trả lời phỏng vấn!