Nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), Vườn quốc gia Ninh Thuận nổi lên như một “viên ngọc” giữa lòng sa mạc với biển xanh, cát trắng, san hô đầy màu sắc cùng với những hang động kỳ vĩ và các loài linh trưởng ẩn mình dưới những tán rừng hoang sơ.
Vườn Quốc gia Núi Chúa được biết đến là địa điểm du lịch sinh thái “3 trong 1” hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch tìm đến trên hành trình khám phá vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận.
Với diện tích tự nhiên khoảng 31.000ha, Vườn Quốc gia Núi Chúa là nơi giao hòa của cả ba không gian: rừng, biển và bán sa mạc với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng.
Theo ghi nhận, vườn có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới; hệ động vật có 345 loài, trong đó có 46 loài quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
Hệ sinh thái đa dạng
Khu vực Núi Chúa là một khối núi khá liền lạc, có hình dạng như một con rùa có đầu quay về phía Nam, đuôi là phần nhô ra của mũi Xốp thò vào vịnh Cam Ranh như đang từ biển bò lên đất liền.
Khối núi này có nhiều đỉnh ở các độ cao khác nhau, mà đỉnh cao nhất là đỉnh núi Cô Tuy có độ cao 1.039m.
Vườn Quốc gia Núi Chúa được phân bố trên phức hệ núi lấn ra bờ biển lộng gió, đến đây bạn sẽ chiêm ngưỡng rất nhiều sinh vật quần tụ phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại.
[Bảo tồn loài rùa biển quý hiếm tại Vườn Quốc gia Núi Chúa]
Về hệ thực vật, Vườn quốc gia Núi Chúa đã được ghi nhận 1.532 loài vật có bậc cao có mạch, thuộc 5 ngành. Trong đó, có 1.237 loài Ngọc lan chiếm 96.64% trên tổng số, tiếp theo đó đến loại Dương xỉ với 25 loài, ngành Thông với 12 loài và có rất nhiều loài thực vật khác bao gồm 62 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.
Về hệ động vật, Núi Chúa đã được ghi nhận 330 loài có xương sống trên cạn, 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 64 loài quý hiếm được cảnh báo bảo tồn.
Đặc biệt có 2 loài đặc hữu Đông Dương là Chà và chân đen và Gà tiền mặt đỏ, 1 loại đặc hữu Việt Nam là ếch cây Trung bộ, cùng một số loài được bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai...
Về hệ san hô trù phú với khoảng 350 loài, trong đó có tới 46 loài san hô là phân loài mới nhất ở Việt Nam và 307 loài san hô cứng tạo rạn. Hệ rong biển có tới 188 loài, với số lượng rất đa dạng là Rong đỏ.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi có rùa biển lên đất liền sinh sản như rùa xanh, vích, đồi mồi, rùa đầu to, rùa da.
Nhiều tiềm năng du lịch
Điểm thú vị nhất ở Vườn quốc gia Núi Chúa có lẽ là “Hồ treo” trên vách núi đá. Mặt hồ có đường kính 70-80 m, quanh năm có nước trong xanh và nhiều động, thực vật sinh sống.
Hồ treo đẹp nhất có lẽ là vào mùa mưa, khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm, những vỉa đá nổi lên trên mặt nước như những hòn non bộ xen lẫn những tán cây truông gai, găng néo...
Công viên đá của Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi giao hòa giữa biển, núi, đất, trời; là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với hàng nghìn tảng đá xếp chồng lên nhau, thách thức thời gian, gió cát mà đứng vững từ ngàn đời.
Dưới chân núi, bãi Thịt là nơi duy nhất ở đất liền của Việt Nam có các loài rùa biển tìm đến đẻ trứng như rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa.
Nằm trong khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, biển Bình Tiên tựa như viên ngọc quý được cất giấu giữa núi rừng. Không như nhiều bãi biển khác, du khách phải vượt qua con đường đèo gian nan rồi mới được hít hà mùi gió biển, đắm mình trong làn nước xanh trong và chiêm ngưỡng toàn cảnh biển trời trong lòng những dãy núi.
Trong khi đó, cung đường đến Vĩnh Hy lại hùng vĩ, uốn lượn như bước ra từ tác phẩm điện ảnh Hollywood, bên này là biển xanh biêng biếc, bên kia là vách núi đá vôi sừng sững giữa trời.
Vịnh Vĩnh Hy thuộc 1 trong 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài phong phú về hình dáng, màu sắc, trong đó có những loài nguyên thủy chỉ cách mặt nước 2-4 m.
Một sắc thái khác của san hô cũng có thể được tìm thấy ở Hang Rái. Hang Rái, nơi được ví là thác trên biển duy nhất ở du lịch Việt Nam.
Ngắm hình ảnh đầy vẻ ma mị, kỳ bí của rêu và sóng hòa quyện ở Hang Rái, bạn sẽ không ngớt trầm trồ trước tuyệt tác của thiên nhiên. Hang Rái đẹp nhất là vào lúc bình minh, dòng nước biển đổi màu một cách diệu kỳ theo ánh mặt trời. Vách núi cheo leo nổi bật giữa nền trời xanh ngắt vô cùng thơ mộng.
Trên hành trình đến với Vườn Quốc gia Núi Chúa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng muối trắng và tìm hiểu về nghề làm muối của diêm dân Ninh Thuận. Dọc đường đi, du khách còn có dịp tìm hiểu nghề trồng hành, tỏi, đời sống của ngư dân.
Đặc biệt, du khách có cơ hội tham quan và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ nho ngay tại những vườn nho chín bạt ngàn ở làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải.
Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch
Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, để phát huy các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên, Vườn Quốc gia Núi Chúa đang xây dựng, tổ chức nhiều loại hình du lịch sinh thái như các tour du lịch biển, du lịch rừng, tour khám phá bí ẩn của hệ sinh thái khô hạn độc đáo nhất ở Việt Nam.
Du lịch sinh thái phát triển tạo thêm nguồn thu phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh những sản phẩm du lịch tham quan, Vườn tiếp tục đổi mới các hoạt động du lịch sinh thái như xây dựng các tour, tuyến mới trong rừng và trên biển để tạo điểm nhấn như tour lặn biển ngắm san hô, tour tham quan bãi rùa đẻ, tour ngắm mặt trời lặn, xem chim về trong khu rừng ngập mặn ở Đầm Nai, liên kết 3 điểm công viên đá- Hang Rái-Vịnh Vĩnh Hy thành một tour khép kín trong ngày...
Việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Núi Chúa.
Vườn chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Để du lịch sinh thái phát triển bền vững, Vườn tập trung bảo tồn các hệ sinh thái rừng tự nhiên và rừng trồng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Cụ thể, Vườn đẩy mạnh nghiên cứu, nhân giống một số loài cây đặc hữu, quý hiếm để phục vụ cho vườn ươm cây bản địa, nghiên cứu bảo tồn và phát triển tài nguyên cây dược liệu và các loài lan rừng quý hiếm; xây dựng khu bảo tồn biển cứu hộ các loài động vật biển quý hiếm; xử lý rác thải, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia.
Từ năm 2016 đến nay, Vườn quốc gia Núi Chúa đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 111 hộ nghèo trên 7 thôn với diện tích 6.198ha.
Vườn cũng cử cán bộ giám sát, hướng dẫn bà con mua bò, dê, kỹ thuật chăn nuôi và sinh sản, từ đó tạo việc làm, giúp bà con ổn định cuộc sống, tiến tới không phụ thuộc vào tài nguyên rừng.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, trong 10 tháng năm 2019, Vườn đã đón gần 174.000 lượt khách tới tham quan./.