Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Đắk Lắk đã “lội” rừng và tận mắt chứng kiến cảnh những cây gỗ quý còn lại của Vườn quốc gia Yok Đôn bị sát hại ngay trước “mũi” kiểm lâm.
Lãnh đạo Vườn khẳng định việc kiểm lâm “bắt tay” lâm tặc là có thật, nhưng không có bằng chứng để xử lý; các vụ vi phạm luật nghiêm trọng sau khi chuyển đến cơ quan chức năng đều bị “chìm xuồng,” lâm tắc ngày càng “lờn mặt” và manh động hơn.
Tan hoang rừng cấm
Chiếc ôtô chuyên dụng của Vườn quốc gia Yok Đôn chở nhóm phóng viên xuyên qua những cánh rừng khộp đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong vùng lõi của Vườn. Tây Nguyên đang là cao điểm của mù khô, trời nắng như đổ lửa, đi trong rừng khộp trơ trụi lá mùa này giống như trên chiếc chảo rang.
Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Vườn cùng hai kiểm lâm viên trạm bảo vệ rừng số 5 (Trạm 5) dẫn nhóm phóng viên vào hiện trường vụ tàn sát gỗ hương ở tiểu khu 508 năm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc địa bàn quản lý bảo vệ của Trạm 5.
Chỉ trong khoảng bán kính vài trăm mét, đã có 18 cây gỗ hương đường kính trên một mét bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy, sau đó xẻ thành phách vận chuyển đi mất.
Theo tính toán, số gỗ hương bị bọn lâm tặc đốn hạ và xẻ thành phẩm khoảng 30m3, trong đó bọn chúng đã chuyển đi trót lọt hơn 20m3 gồm những phách gỗ đẹp nhất. Số còn lại tại hiện trường bọn chúng chưa kịp chuyển đi gồm 45 phách gỗ với khối lượng hơn 10m3.
Những cây hương cổ thụ giờ chỉ còn trơ gốc, dấu cưa còn rất mới, nhựa ứa ra khô quẹo lại đỏ thẫm nhìn xót xa. Theo các cán bộ kiểm lâm, để có thể đốn hạ, xẻ thành phách và vận chuyển được 18 cây gỗ hương lớn này ra khỏi rừng, bọn lâm tặc phải huy động một lực lượng khá đông đảo cùng các thiết bị chuyên dùng và xe cơ giới lớn để vận chuyển.
Trong khi đó, hiện trường khai thác gỗ lậu cách Trạm 5 không xa, đường vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng là độc đạo bắt buộc phải đi qua Trạm 5 cùng một số trạm phía ngoài với hàng chục kiểm lâm viên luôn thường trực ở đây, nhưng không hiểu sao bọn lâm tặc vẫn vận chuyển trót lọt gỗ lậu bằng xe cơ giới hạng nặng (?.)
Đúng là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim.” Chưa hết, khi thực hiện thu gom 45 phách gỗ về Trạm 5, có sáu phách gỗ loại đẹp bị “bốc hơi.” Số gỗ này sau đó được phát hiện là do chính nhân viên kiểm lâm của Trạm 5 lấy cắp, sau đó thuê xe cày chở ra khỏi rừng. Tuy nhiên trên đường vận chuyển lại bị lực lượng xung kích của Vườn bắt quả tang.
Tiếp tục vòng về gần Trạm 5, tiếp cận với hiện trường khai thác trái phép 17 cây gỗ cẩm lai, đều có đường kính trên 50cm. Theo lãnh đạo Vườn, đây là những cây cẩm lai hiếm hoi còn sót lại, đã được “điểm mặt, chỉ tên” lại nằm sát Trạm 5 nên không ai nghĩ rằng chúng lại bị đốn hạ một cách ngang nhiên như vậy.
Có những cây cẩm lai lớn chỉ cách Trạm 5 chừng 100m. Đứng ở gốc cây đã bị đốn hạ có thể nhìn rõ mồn một cảnh sinh hoạt ở Trạm 5, nhưng không hiểu sao cây gỗ cổ thụ này vẫn bị lậm tặc xẻ thịt bằng cưa máy - loại cưa có tiếng nổ cách xa vài km vẫn nghe thấy - và vận chuyển đi mất. Toàn bộ số gỗ cẩm lai đều bị lâm tặc lấy sạch từ gốc đến ngọn.
Tiếp tục đi thực tế trên các cung đường tuần tra bảo vệ rừng, phóng viên TTXVN lại càng được chứng kiến cảnh tan hoang của khu rừng cấm, "lá phổi xanh" duy nhất ở phía Tây cao nguyên Đắk Lắk. Chỉ trong một quãng ngắn chưa đến một km đã có hàng trăm cây gỗ hương, căm xe, cà chít… to cỡ vai vòng tay người lớn ngay sát đường tuần tra bị lâm tặc đốn hạ.
Ông Đoàn Xuân Thiện khẳng định nếu đi sâu vào rừng một chút nữa, cảnh tượng còn tan hoang hơn nhiều. Hiện loại gỗ lâm tặc đang tập trung khai thác nhiều nhất là giáng hương, tiếp theo là các loại khác như căm xe, cà chít… Các loại gỗ quý khác như trắc, cà te, cẩm lai chỉ còn sót lại rất ít ỏi ở trên đỉnh Yok Đôn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt do địa hình hiểm trở.
Nhiều cây gỗ quý nằm chỉ cách đường tuần tra vài chục mét đã bị lâm tặc đốn hạ đổ chắn ngang đường, sau đó xẻ thành phách và vận chuyển đi mất mà không gặp bất kỳ một sự cản trở nào từ phía lực lượng kiểm lâm tuần tra. Xe gần đến Trạm 2, chứng kiến một cây gỗ căm xe có đường kính hơn 60cm bị đốn hạ ngay ven đường, thân cây đã bị bổ thành chín lóng và chuẩn bị được xẻ thành phách.
Ông Thiện cũng khẳng định cây căm xe này là do đối tượng đi xe máy ngược chiều mới gặp xẻ thịt, thấy động nên hắn bỏ đi. Chắc chắn lát nữa chúng sẽ quay lại làm tiếp công việc xẻ thịt gỗ và vận chuyển xuống bờ sông Sêrêpốk để đưa sang địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Xử lý không nghiêm, lâm tặc lộng hành
Ông Đoàn Xuân Thiện khẳng định hiện nay đã hình thành các đường dây khai thác gỗ lậu một cách chuyên nghiệp. Nhiều cán bộ của Vườn cũng nằm trong các đường dây này để tiếp tay cho lâm tặc. Tuy nhiên, do không có chứng cứ cụ thể nên không thể xử lý nghiêm minh được.
Hầu hết các vụ việc nghiêm trọng sau khi được Vườn chuyển hồ sơ lên các cơ quan chức năng, đều trong tình trạng “án binh bất động” một cách khó hiểu. Vì vậy, bọn lâm tặc đã tỏ ra “nhờn mặt,” ngày càng hung hãn, manh động và tàn sát gỗ quý hiếm trong Vườn không thương tiếc.
Điển hình như vụ 18 cây gỗ hương và 17 cây cẩm lai ở tiểu khu 508, ngay sát “nách” Trạm 5 bị lâm tặc đốn hạ và mang đi hơn 50m3 vào đầu năm nay. Thấy tính chất của vụ việc nghiêm trọng, nhiều khả năng bọn lâm tặc có hẳn một đường dây khai thác gỗ lậu với sự giúp sức của nhiều cán bộ thuộc các cơ quan chức năng, trong đó có dính líu tới cả cán bộ kiểm lâm của Vườn nên lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn đã chuyển hồ sơ và đề nghị Công an huyện Buôn Đôn sớm điều tra làm rõ vụ việc.
Về phần mình, Vườn đã xử lý cách chức trạm trưởng, trạm phó và hạ bậc lương một kiểm lâm viên của Trạm 5. Tuy nhiên, từ đó đến chưa có một cán bộ điều tra nào của Công an huyện vào tiếp cận hiện trường để xem xét, tìm hiểu và điều tra.
Một vụ khác cũng xảy ra vào đầu năm nay, qua tin báo lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn đã bắt quả tang chiếc xe đậu tại nhà ông Y Thông ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chở hơn bốn mét khối gỗ hương phạm pháp. Chiếc xe này mang tới hai biển kiểm soát là 49H 4058 và 47P 1647. Không có ai đứng ra nhận là chủ gỗ và chủ phương tiện nên ông Trưong Văn Trưởng, Giám đốc Vườn đã yêu cầu cán bộ kiểm lâm Nguyễn Quang Thứ đưa chiếc xe trên về trụ sở.
Tuy nhiên khi xe vừa chạy được mấy mét, tên Nguyễn Đức Chương, trú tại buôn Ea Ma, xã Krông Na - theo cán bộ kiểm lâm Vườn, Chương là một trùm lâm tặc khét tiếng ở Buôn Đôn - cầm đầu một nhóm khoảng 20 người với hung khí trên tay tấn công lực lượng kiểm lâm, chặn xe lại sau đó nhảy lên xe hất gần hết số gỗ tang vật xuống bờ sông để tẩu tán.
Ngay lúc đó, với sự can thiệp của các chiến sỹ Tiểu đoàn cơ động Bộ đội biên phòng đóng quân gần đó nên bọn chúng tháo chạy. Chiếc xe cùng số gỗ tang vật còn lại được tạm thời đưa về doanh trại của Tiểu đoàn cơ động.
Tại đây, tên Chương tiếp tục cầm đầu khoảng 30 thanh niên bao vây cổng tiểu đoàn cơ động chửi bới, lăng mạ, đe dọa cán bộ kiểm lâm. Liều lĩnh hơn, chúng còn cho người đột nhập vào doanh trại trèo lên xe bốc gỗ lậu xuống. Đến 9 giờ sáng hôm sau, sau hơn 12 giờ bị vây hãm công an huyện Buôn Đôn mới giải tỏa đưa xe và gỗ tang vật về trụ sở công an và giải phóng cho các cán bộ kiểm lâm của Vườn.
Theo nhận định, đây không chỉ là vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng mà còn hành hung, chống người thi hành công vụ với chứng cứ rành rành. Vậy mà sau một thời gian điều tra, cơ quan công an không khởi tố vì “không đủ chứng cứ.”
Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng khác sau khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đều không có hồi âm, trở thành “đá ném ao bèo” như vụ bắt quả tang bảy đối tượng khai thác trái phép 22 cây giỗ hương lớn với khối lượng hơn 40m3 tại tiểu khu 456 vào ngày 7/5/2008; vụ bắt năm máy cày càng chở hơn 17 gỗ lậu tại buôn Ea Ma, sau khi bị bắt gỗ bọn lâm tặc do tên Nguyễn Đức Chương đã chặn đường hành hung lực lượng kiểm lâm, đập phá phương tiện bảo vê rừng gây thiệt hại lớn xảy ra ngày 30/6/2009; vụ gần 40 cây gỗ hương lớn tại tiểu khu 441 bị đốn hạ có sự dính líu của cán bộ kiểm lâm Vườn.
Theo đánh giá, các vụ vi phạm lâm luật này đều có tổ chức và thực hiện trên quy mô lớn nhưng không hiểu sao sau khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì đều “chìm xuống” một cách khó hiểu.
Một cán bộ lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn than thở “Vườn giờ như là của riêng của lâm tặc. Chúng tôi lại phải đi bảo vệ để bọn chúng khai thác dần. Với tình trạng này chỉ thêm một thời gian ngắn nữa, Vườn chỉ còn là khu rừng rỗng ruột.”
Dư luận đang đặt dấu hỏi về sự công minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Buôn Đôn trong việc xử lý các vụ liên quan đến vi phạm lâm luật. Chính sự xử lý không đến nơi đến chốn khiến bọn lâm tặc đang ngày càng manh động và coi thường pháp luật./.
Lãnh đạo Vườn khẳng định việc kiểm lâm “bắt tay” lâm tặc là có thật, nhưng không có bằng chứng để xử lý; các vụ vi phạm luật nghiêm trọng sau khi chuyển đến cơ quan chức năng đều bị “chìm xuồng,” lâm tắc ngày càng “lờn mặt” và manh động hơn.
Tan hoang rừng cấm
Chiếc ôtô chuyên dụng của Vườn quốc gia Yok Đôn chở nhóm phóng viên xuyên qua những cánh rừng khộp đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong vùng lõi của Vườn. Tây Nguyên đang là cao điểm của mù khô, trời nắng như đổ lửa, đi trong rừng khộp trơ trụi lá mùa này giống như trên chiếc chảo rang.
Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Vườn cùng hai kiểm lâm viên trạm bảo vệ rừng số 5 (Trạm 5) dẫn nhóm phóng viên vào hiện trường vụ tàn sát gỗ hương ở tiểu khu 508 năm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc địa bàn quản lý bảo vệ của Trạm 5.
Chỉ trong khoảng bán kính vài trăm mét, đã có 18 cây gỗ hương đường kính trên một mét bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy, sau đó xẻ thành phách vận chuyển đi mất.
Theo tính toán, số gỗ hương bị bọn lâm tặc đốn hạ và xẻ thành phẩm khoảng 30m3, trong đó bọn chúng đã chuyển đi trót lọt hơn 20m3 gồm những phách gỗ đẹp nhất. Số còn lại tại hiện trường bọn chúng chưa kịp chuyển đi gồm 45 phách gỗ với khối lượng hơn 10m3.
Những cây hương cổ thụ giờ chỉ còn trơ gốc, dấu cưa còn rất mới, nhựa ứa ra khô quẹo lại đỏ thẫm nhìn xót xa. Theo các cán bộ kiểm lâm, để có thể đốn hạ, xẻ thành phách và vận chuyển được 18 cây gỗ hương lớn này ra khỏi rừng, bọn lâm tặc phải huy động một lực lượng khá đông đảo cùng các thiết bị chuyên dùng và xe cơ giới lớn để vận chuyển.
Trong khi đó, hiện trường khai thác gỗ lậu cách Trạm 5 không xa, đường vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng là độc đạo bắt buộc phải đi qua Trạm 5 cùng một số trạm phía ngoài với hàng chục kiểm lâm viên luôn thường trực ở đây, nhưng không hiểu sao bọn lâm tặc vẫn vận chuyển trót lọt gỗ lậu bằng xe cơ giới hạng nặng (?.)
Đúng là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim.” Chưa hết, khi thực hiện thu gom 45 phách gỗ về Trạm 5, có sáu phách gỗ loại đẹp bị “bốc hơi.” Số gỗ này sau đó được phát hiện là do chính nhân viên kiểm lâm của Trạm 5 lấy cắp, sau đó thuê xe cày chở ra khỏi rừng. Tuy nhiên trên đường vận chuyển lại bị lực lượng xung kích của Vườn bắt quả tang.
Tiếp tục vòng về gần Trạm 5, tiếp cận với hiện trường khai thác trái phép 17 cây gỗ cẩm lai, đều có đường kính trên 50cm. Theo lãnh đạo Vườn, đây là những cây cẩm lai hiếm hoi còn sót lại, đã được “điểm mặt, chỉ tên” lại nằm sát Trạm 5 nên không ai nghĩ rằng chúng lại bị đốn hạ một cách ngang nhiên như vậy.
Có những cây cẩm lai lớn chỉ cách Trạm 5 chừng 100m. Đứng ở gốc cây đã bị đốn hạ có thể nhìn rõ mồn một cảnh sinh hoạt ở Trạm 5, nhưng không hiểu sao cây gỗ cổ thụ này vẫn bị lậm tặc xẻ thịt bằng cưa máy - loại cưa có tiếng nổ cách xa vài km vẫn nghe thấy - và vận chuyển đi mất. Toàn bộ số gỗ cẩm lai đều bị lâm tặc lấy sạch từ gốc đến ngọn.
Tiếp tục đi thực tế trên các cung đường tuần tra bảo vệ rừng, phóng viên TTXVN lại càng được chứng kiến cảnh tan hoang của khu rừng cấm, "lá phổi xanh" duy nhất ở phía Tây cao nguyên Đắk Lắk. Chỉ trong một quãng ngắn chưa đến một km đã có hàng trăm cây gỗ hương, căm xe, cà chít… to cỡ vai vòng tay người lớn ngay sát đường tuần tra bị lâm tặc đốn hạ.
Ông Đoàn Xuân Thiện khẳng định nếu đi sâu vào rừng một chút nữa, cảnh tượng còn tan hoang hơn nhiều. Hiện loại gỗ lâm tặc đang tập trung khai thác nhiều nhất là giáng hương, tiếp theo là các loại khác như căm xe, cà chít… Các loại gỗ quý khác như trắc, cà te, cẩm lai chỉ còn sót lại rất ít ỏi ở trên đỉnh Yok Đôn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt do địa hình hiểm trở.
Nhiều cây gỗ quý nằm chỉ cách đường tuần tra vài chục mét đã bị lâm tặc đốn hạ đổ chắn ngang đường, sau đó xẻ thành phách và vận chuyển đi mất mà không gặp bất kỳ một sự cản trở nào từ phía lực lượng kiểm lâm tuần tra. Xe gần đến Trạm 2, chứng kiến một cây gỗ căm xe có đường kính hơn 60cm bị đốn hạ ngay ven đường, thân cây đã bị bổ thành chín lóng và chuẩn bị được xẻ thành phách.
Ông Thiện cũng khẳng định cây căm xe này là do đối tượng đi xe máy ngược chiều mới gặp xẻ thịt, thấy động nên hắn bỏ đi. Chắc chắn lát nữa chúng sẽ quay lại làm tiếp công việc xẻ thịt gỗ và vận chuyển xuống bờ sông Sêrêpốk để đưa sang địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Xử lý không nghiêm, lâm tặc lộng hành
Ông Đoàn Xuân Thiện khẳng định hiện nay đã hình thành các đường dây khai thác gỗ lậu một cách chuyên nghiệp. Nhiều cán bộ của Vườn cũng nằm trong các đường dây này để tiếp tay cho lâm tặc. Tuy nhiên, do không có chứng cứ cụ thể nên không thể xử lý nghiêm minh được.
Hầu hết các vụ việc nghiêm trọng sau khi được Vườn chuyển hồ sơ lên các cơ quan chức năng, đều trong tình trạng “án binh bất động” một cách khó hiểu. Vì vậy, bọn lâm tặc đã tỏ ra “nhờn mặt,” ngày càng hung hãn, manh động và tàn sát gỗ quý hiếm trong Vườn không thương tiếc.
Điển hình như vụ 18 cây gỗ hương và 17 cây cẩm lai ở tiểu khu 508, ngay sát “nách” Trạm 5 bị lâm tặc đốn hạ và mang đi hơn 50m3 vào đầu năm nay. Thấy tính chất của vụ việc nghiêm trọng, nhiều khả năng bọn lâm tặc có hẳn một đường dây khai thác gỗ lậu với sự giúp sức của nhiều cán bộ thuộc các cơ quan chức năng, trong đó có dính líu tới cả cán bộ kiểm lâm của Vườn nên lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn đã chuyển hồ sơ và đề nghị Công an huyện Buôn Đôn sớm điều tra làm rõ vụ việc.
Về phần mình, Vườn đã xử lý cách chức trạm trưởng, trạm phó và hạ bậc lương một kiểm lâm viên của Trạm 5. Tuy nhiên, từ đó đến chưa có một cán bộ điều tra nào của Công an huyện vào tiếp cận hiện trường để xem xét, tìm hiểu và điều tra.
Một vụ khác cũng xảy ra vào đầu năm nay, qua tin báo lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn đã bắt quả tang chiếc xe đậu tại nhà ông Y Thông ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chở hơn bốn mét khối gỗ hương phạm pháp. Chiếc xe này mang tới hai biển kiểm soát là 49H 4058 và 47P 1647. Không có ai đứng ra nhận là chủ gỗ và chủ phương tiện nên ông Trưong Văn Trưởng, Giám đốc Vườn đã yêu cầu cán bộ kiểm lâm Nguyễn Quang Thứ đưa chiếc xe trên về trụ sở.
Tuy nhiên khi xe vừa chạy được mấy mét, tên Nguyễn Đức Chương, trú tại buôn Ea Ma, xã Krông Na - theo cán bộ kiểm lâm Vườn, Chương là một trùm lâm tặc khét tiếng ở Buôn Đôn - cầm đầu một nhóm khoảng 20 người với hung khí trên tay tấn công lực lượng kiểm lâm, chặn xe lại sau đó nhảy lên xe hất gần hết số gỗ tang vật xuống bờ sông để tẩu tán.
Ngay lúc đó, với sự can thiệp của các chiến sỹ Tiểu đoàn cơ động Bộ đội biên phòng đóng quân gần đó nên bọn chúng tháo chạy. Chiếc xe cùng số gỗ tang vật còn lại được tạm thời đưa về doanh trại của Tiểu đoàn cơ động.
Tại đây, tên Chương tiếp tục cầm đầu khoảng 30 thanh niên bao vây cổng tiểu đoàn cơ động chửi bới, lăng mạ, đe dọa cán bộ kiểm lâm. Liều lĩnh hơn, chúng còn cho người đột nhập vào doanh trại trèo lên xe bốc gỗ lậu xuống. Đến 9 giờ sáng hôm sau, sau hơn 12 giờ bị vây hãm công an huyện Buôn Đôn mới giải tỏa đưa xe và gỗ tang vật về trụ sở công an và giải phóng cho các cán bộ kiểm lâm của Vườn.
Theo nhận định, đây không chỉ là vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng mà còn hành hung, chống người thi hành công vụ với chứng cứ rành rành. Vậy mà sau một thời gian điều tra, cơ quan công an không khởi tố vì “không đủ chứng cứ.”
Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng khác sau khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đều không có hồi âm, trở thành “đá ném ao bèo” như vụ bắt quả tang bảy đối tượng khai thác trái phép 22 cây giỗ hương lớn với khối lượng hơn 40m3 tại tiểu khu 456 vào ngày 7/5/2008; vụ bắt năm máy cày càng chở hơn 17 gỗ lậu tại buôn Ea Ma, sau khi bị bắt gỗ bọn lâm tặc do tên Nguyễn Đức Chương đã chặn đường hành hung lực lượng kiểm lâm, đập phá phương tiện bảo vê rừng gây thiệt hại lớn xảy ra ngày 30/6/2009; vụ gần 40 cây gỗ hương lớn tại tiểu khu 441 bị đốn hạ có sự dính líu của cán bộ kiểm lâm Vườn.
Theo đánh giá, các vụ vi phạm lâm luật này đều có tổ chức và thực hiện trên quy mô lớn nhưng không hiểu sao sau khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì đều “chìm xuống” một cách khó hiểu.
Một cán bộ lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn than thở “Vườn giờ như là của riêng của lâm tặc. Chúng tôi lại phải đi bảo vệ để bọn chúng khai thác dần. Với tình trạng này chỉ thêm một thời gian ngắn nữa, Vườn chỉ còn là khu rừng rỗng ruột.”
Dư luận đang đặt dấu hỏi về sự công minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Buôn Đôn trong việc xử lý các vụ liên quan đến vi phạm lâm luật. Chính sự xử lý không đến nơi đến chốn khiến bọn lâm tặc đang ngày càng manh động và coi thường pháp luật./.
Việt Dũng (Vietnam+)