Vượt qua COVID-19, ‘rủng rỉnh’ đón Xuân nhờ những giá trị bền vững

Tết là nghỉ ngơi, là du Xuân. Nhưng Tết về, kinh tế gia đình mà ‘rủng rỉnh’ thì niềm vui cũng trở nên đong đầy hơn trong ánh mắt, nụ cười của những người dân lao động.
Bà con tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh ham gia vào buổi thảo luận bàn về giải pháp sinh kế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà con tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh ham gia vào buổi thảo luận bàn về giải pháp sinh kế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một mùa Xuân mới đã về, như thường lệ, sắc hoa muôn màu rực rỡ lại tràn ngập trên khắp các nẻo đường. Tuy nhiên, không khí chào xuân Tân Sửu của người dân năm nay có phần giản đơn và lắng đọng hơn. Bởi năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã bất ngờ ập đến và gây ra những tác động to lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trải qua những biến cố, mỗi người dường như điềm đạm hơn và trân trọng hơn những giá trị thường nhật của cuộc sống.

Tết là nghỉ ngơi, là du Xuân. Nhưng Tết về, kinh tế gia đình mà ‘rủng rỉnh’ thì niềm vui cũng trở nên đong đầy hơn trong ánh mắt, nụ cười của những người dân lao động. Thời gian qua, sản xuất-kinh doanh bền vững vẫn được xem như những bước đi chậm và chắc, từng bước giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, dần dần có thu nhập ổn định. Ở chùm bài này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cố gắng phác họa một bức tranh sinh động những giá trị đưa đến sinh kế bền vững, tạo ra các bước đi căn bản giúp người nông dân vượt qua biến cố dịch bệnh COVID-19 để có thể duy trì được kết quả kinh doanh hiệu quả.

Bài 1: Thu nhập gia đình ‘nhân đôi’ từ khi phụ nữ tham gia cùng sinh kế

Sau khi đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần hai được khống chế thành công, chúng tôi theo đoàn công tác đi thực địa tại một số hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Trà Vinh vào trung tuần tháng Mười.

Ra khỏi thành phố, những ám ảnh về dịch bệnh COVID-19 dần tan biến trong tâm trí chúng tôi khi mà trước mắt là con những đường trải dài nắng vàng, trong vắt. Từ Cần Thơ, chúng tôi di chuyển đến xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Cũng giống như những vùng nông thôn mới trên cả nước, những con đường liên xã ở đây được rải bê tông với những luống hoa đua sắc chạy dọc lối đi.

Đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, ông Quảng Quốc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công mời chúng tôi tham gia vào buổi thảo luận bàn về sinh kế của bà con trong ấp.

“Bắt tay” và tư duy cùng nhau

Tại một khoảnh sân rộng có mái che, mấy chục người dân đủ các độ tuổi ngồi quanh những chiếc bàn tròn. Họ chia ra hai khu vực nam và nữ ngồi riêng với tác phong trao đổi công việc khẩn trương, nhanh nhẹn. 

Ông Bình phát biểu, “tôi thấy nghêu năm nay được mùa nhưng bán qua thương lái ép giá quá. Mà dịch COVID-9 đang diễn ra phức tạp, nếu chúng ta không lo đầu ra ổn định, tiếp tục bán nghêu qua thương lái bị sợ rằng sẽ bị ép giá hơn nữa. Do đó, tôi muốn các thành viên đóng góp ý kiến để làm sao vụ nghêu 2020-2021 này được tốt hơn.”

Sau khi trao đổi trong nhóm, một thành viên nữ giơ tay lên và nói, “qua ý kiến của cậu Năm, theo em thấy xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã cũng tốt. Chúng ta có thương hiệu, con nghêu bán sẽ có giá hơn. Bên cạnh đó, nghêu nhỏ lẻ thì mình đóng gói bao bì và bán cho mấy chợ đầu mối cũng dễ.”

Bên nhóm nam giới, một thành viên cũng đứng lên chia sẻ, “phải liên kết với các doanh nghiệp, với công ty tiêu thụ đầu ra để có thu nhập cho thành viên.”

“Qua trao đổi nãy giờ, hai ý kiến trên rất phù hợp. Tôi cũng thống nhất ý kiến như vậy để mình làm kế hoạch cho vụ 2020-2021 được tốt hơn,” ông Bình chốt lại.

Chia sẻ với nhà báo, ông Quảng Quốc Bình cho biết trước đây, đàn ông trong ấp lo làm kiếm tiền và vợ-con chăm lo nhà cửa. Sự chia tách công việc này đã tạo ra sự căng thẳng trong gia đình và áp lực đến với cả hai phía. Bởi công việc nhà, chăm sóc con cái đặt hết lên vai người phụ nữ, trong khi người đàn ông lại đơn độc sinh kế-mưu sinh ngoài xã hội, chịu trách nhiệm đưa thu nhập về. Hai vợ chồng như thuộc về hai thế giới, họ không hiểu những vướng mắc, lo lắng trong phần việc của đối phương, dần dần thiếu đi sự trao đổi và san sẻ những khó khăn với nhau.

Vượt qua COVID-19, ‘rủng rỉnh’ đón Xuân nhờ những giá trị bền vững ảnh 1Ông Quảng Quốc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công đang hướng dẫn bà con trong buổi thảo luận bàn về sinh kế trong ấp.  (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ngày trước ‘chồng tớ-vợ tôi’ thì nay điều này là không phù hợp. Vợ chồng chia sẻ công việc với nhau, người nam và người nữ đều cần những trình độ nhất định, họ thấu hiểu được từng vấn đề thì từ đó gia đình phát triển và xã hội cũng dần phát triển. Khi trước, vợ chồng làm việc đơn lẻ nên hiệu quả không cao, song nay gia đình làm ăn có bàn bạc, trao đổi thì hiệu quả hơn lên rất nhiều,” ông Bình nói.

Chị Dương Thị Lan có chồng là thành viên hợp tác xã cho biết chị cũng giống như những người phụ nữ khác trong ấp rất tích cực tham gia vào những cuộc trao đổi như thế này. Qua đó, chị Lan hiểu hơn công việc làm ăn ngoài xã hội của chồng về những rủi ro, biến đổi trong sản xuất kinh doanh để hai vợ chồng ngồi lại với nhau bàn cái này nên làm, cái kia không nên làm.

Ông Bình nhấn mạnh sự chia sẻ tạo được công ăn việc làm trong gia đình và hợp tác xã. Trước đây, người đàn ông làm việc một mình thì chỉ hoạt động trong hợp tác xã với nghề nuôi nghêu, song nay có sự thay đổi, những người phụ nữ trong gia đình đã cùng chồng tham gia nuôi tôm.

“Hai người có công việc, do đó thu nhập nâng lên, ví dụ nuôi nghêu được 100 triệu đồng cộng thêm nuôi tôm có được 100 triệu đồng nữa. Quá trình bình đẳng giới khiến người nữ không còn chỉ bó buộc trong công việc nội trợ mà họ được mở rộng kiếm thức cả về kinh tế và văn hóa. Cụ thể, từ năm 2018, thu nhập của hai vợ chồng tôi (trên 60 tuổi) tăng mạnh, trước sản xuất mỗi năm thu 200-300 triệu đồng thì nay được 400-500 triệu đồng,” ông Bình cho hay.

Phụ nữ tham gia vào điều hành

Đến với xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành có hơn 300 thành viên, trong đó một phần ba là phụ nữ. Đinh Thị Chiến cho biết chị là nữ duy nhất trong ban quản trị của Hợp tác xã.

Chị kể lại, “thời điểm thành lập Hợp tác xã năm 2005, khởi xướng chỉ có mình tôi là nữ tham gia và được bầu làm quản lý, với vai trò kiểm soát kiêm kế toán. Nói thật, tôi đã rất lo lắng vì trình độ học vấn chỉ hết cấp một, hơn nữa còn lớn tuổi. Tuy nhiên khi làm việc, tôi đã được đi hướng dẫn, đào tạo tại các lớp tập huấn và đi tham quan, học hỏi ở các hợp tác xã khác. Trong xã, các chị em còn nhút nhát lắm, nhưng sau khi có những lớp tập huấn về đây động viên phụ nữ tham gia và qua quá trình học hỏi, mọi người cũng được mở mang kiến thức nhiều. Thời gian này, người dân trong xã, nhất là phụ nữ đã quan tâm và cởi mở hơn với các chương trình tập huấn đồng thời tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội và người nữ cũng đã thấy vai trò của mình trong thúc đẩy kinh tế gia đình,” chị Chiến hồ hởi cho biết.

Vượt qua COVID-19, ‘rủng rỉnh’ đón Xuân nhờ những giá trị bền vững ảnh 2Đinh Thị Chiến là nữ duy nhất trong ban quản trị của Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Văn Trường-Giám đốc hợp tác xã Tiến Thành, cũng cho hay tiến tới, Hợp tác xã sẽ động viên chị em tham gia nhiều hơn vào ban quản trị để có tiếng nói bình đẳng trong quyền kinh tế, góp ý kiến vào tiến trình sản xuất, khai thác hay thu hoạch và giám sát tài chính. Về điều này, ông Quảng Quốc Bình cũng công nhận mặc dù tỷ lệ thành viên nữ chỉ chiếm 30% trong hợp tác xã nhưng tiếng nói của họ luôn được ghi nhận.

Tại Hợp tác xã thủy sản Đồng Tiến, xã Mỹ Long Nam, ông Phạm Văn Sánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã khẳng định vai trò quan trọng của nữ giới trong hoạt động kinh tế. “Trong kinh tế tập thể, tiếng nói của chị em tham gia rất hiệu quả, tầm nhìn kinh tế có người vượt trội hơn nam giới,” ông Sánh nói.

Ở góc độ của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Gô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Long Nam, cho biết trước kia người dân sản xuất, nuôi trồng mạnh ai nấy làm, do đó kết quả không được cao. Nhưng nay, bà con tham gia các buổi trao đổi trong ấp, trong hợp tác xã. Qua quá trình học hỏi, trao đổi, sự hiểu biết của họ được nâng cao hơn đồng thời sự chia sẻ, hợp tác trong xóm, ấp cũng tốt hơn.

“Đây cũng là bài học cho lãnh đạo xã để có thể quản lý một cách khoa học hơn, biết khai thác năng lực của mỗi giới nam-nữ, trình độ, tuổi tác, kinh nghiệm của các cá nhân trong các hoạt động kinh tế, xã hội để tạo hiệu quả tốt,” ông Gô nói.

Ông Nguyễn Văn Gô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Long Nam trao đổi với phóng viên:

Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hương, Quản lý Chương trình Bình đẳng giới-Tổ chức Oxfam, cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ đạt 46,6%. Bên cạnh đó, lao động nữ chiếm số đông trong các công việc đơn giản, thu nhập thấp. Nhìn chung, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng gần 70%, trong đó lao động phụ nữ chiếm trên 60%). Con số này có xu hướng giảm qua các năm, nhưng vẫn ở mức cao và hơn thế khoảng 80% số lao động này chưa qua đào tạo chuyên môn. Trên phạm vi toàn cầu, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới tới 23% (năm 2018).

Theo bà Hương, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ có nghĩa là phụ nữ phải được kiểm soát và hưởng lợi từ các nguồn lực, tài sản và thời gian của họ cũng như có khả năng ra quyết định, quản lý rủi ro để từ đó cải thiện điều kiện kinh tế, đời sống gia đình. Song, bình đẳng giới là cho tất cả mọi người, có nghĩa là phụ nữ và đàn ông đều được hưởng những điều kiện như nhau trong xã hội.

“Chính vì vậy, dự án Tăng cường liên kết nhóm trong chuỗi giá trị Nghêu thông qua hành động tập thể và bình đẳng giới là một trong các dự án mà Oxfam cùng với đối tác hỗ trợ và thúc đẩy các chuỗi giá trị nông nghiệp, thủy sản phát triển bền vững và toàn diện thông quan làm việc trực tiếp với người sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” bà Hương nói.

Tại Việt Nam, sản xuất và chế biến nghêu là nguồn sinh kế quan trọng, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại vùng biển. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị nghêu còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Chính điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nghêu của Việt Nam trên thế giới. Một thực tế là người sản xuất quy mô nhỏ còn yếu thế trong đàm phán với các bên thu mua và các doanh nghiệp chế biến đồng thời chưa ứng phó hiệu quả với các rủi ro thị trường.

“Dự án Tăng cường liên kết nhóm trong chuỗi giá trị Nghêu thông qua hành động tập thể và bình đẳng giới thực hiện thúc đẩy các hoạt động củng cố và phát triển tổ nhóm cộng đồng, giúp họ có năng lực tốt hơn trong quản lý vận hành, nâng cao vị thế đàm phán của tổ nhóm, hợp tác xã với các tác nhân trong chuỗi giá trị,” bà Hương chia sẻ./.

Vượt qua COVID-19, ‘rủng rỉnh’ đón Xuân nhờ những giá trị bền vững ảnh 3Dự án Tăng cường liên kết nhóm trong chuỗi giá trị Nghêu thông qua hành động tập thể và bình đẳng giới là một trong các dự án mà Oxfam cùng với đối tác hỗ trợ và thúc đẩy các chuỗi giá trị nông nghiệp, thủy sản phát triển bền vững và toàn diện thông quan làm việc trực tiếp với người sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục