WB: Các nước châu Phi cần ưu tiên nội lực trong ứng phó với đại dịch

Hầu hết các nước châu Phi đều có nguồn tài chính hạn chế và mức nợ cao ngay từ đầu đại dịch và hiện đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế kéo dài do tình hình vẫn chưa bắt đầu trở lại bình thường.
WB: Các nước châu Phi cần ưu tiên nội lực trong ứng phó với đại dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Maiduguri, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/5, một quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các nước châu Phi ưu tiên huy động các nguồn lực trong nước thay vì vay nợ để đối phó với đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 54 của Hiệp hội Nghiên cứu kinh tế ở châu Phi (CREA), diễn ra theo hình thức trực tuyến, bà Carmen Reinhart, Phó Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của nhóm WB, cho rằng do đại dịch COVID-19, chi tiêu xã hội bổ sung cho châu Phi sẽ phải tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội cho các nước châu Phi phát triển các cách thức sáng tạo để huy động nguồn tài nguyên quốc gia tốt hơn bằng cách mở rộng các nguồn thu nhập.

[Dịch COVID-19: Châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine AstraZeneca]

Bà Reinhart nêu rõ thêm trên thực tế, hầu hết các nước châu Phi đều có nguồn tài chính hạn chế và mức nợ cao ngay từ đầu đại dịch và hiện đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế kéo dài do tình hình vẫn chưa bắt đầu trở lại bình thường.

Theo quan chức của WB này, triển vọng về du lịch và các hoạt động xuyên biên giới khác có thể không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu cho phép khôi phục lại dòng chảy bình thường của thương mại và du lịch quốc tế.

Bà Reinhart nhận định do nhiều yếu tố khác nhau, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của châu Phi khó có thể trở lại mức trước đại dịch trong năm nay. Các yếu tố đó bao gồm cả việc tiếp cận không bình đẳng đối với việc tiêm chủng hàng loạt trên lục địa này so với các nước phát triển.

Ông Njuguna Ndung'u, Giám đốc điều hành của CREA, lưu ý đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng cấu trúc mà hầu hết các nước châu Phi đều có trên mọi lĩnh vực, từ tài chính y tế đến mạng lưới an sinh xã hội. Trong khi đó, vẫn có một số quốc gia châu Phi chống chọi tốt hơn tùy theo tình hình kinh tế và tài chính của họ trước đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh và hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) nhóm họp và ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế bảo hộ cá nhân.

Tuyên bố nhấn mạnh so với nhiều khu vực khác trên thế giới, châu Phi đang đối mặt với sự chậm trễ trong việc tiếp cận vaccine, mà nguyên nhân là do thiếu nguồn vaccine - hậu quả của tình trạng tích trữ vaccine tại nhiều nước.

Báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến chiều 31/5, châu lục này ghi nhận tổng cộng 4.830.229 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 130.451 người đã không qua khỏi.

Cũng theo CDC châu Phi, đến nay, Lục địa Đen có tổng cộng 43 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 28 triệu liều đã được tiêm cho người dân khu vực, tương ứng 1,62% dân số toàn châu lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục