Sức ép địa chính trị vaccine làm chệch hướng phục hồi châu Phi

Các nước châu Phi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc tiếp cận vaccine. Đây được coi là nhân tố có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Sức ép địa chính trị vaccine làm chệch hướng phục hồi châu Phi ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Khartoum, Sudan ngày 9/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nếu như ví 2020 là năm của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thì 2021 sẽ là năm của vaccine.

Tuy nhiên, niềm lạc quan về sự xuất hiện của vaccine ngừa COVID-19 đang phải đối mặt với những thách thức mới, liên quan đến khả năng tiếp cận vaccine ở nhiều nơi trên thế giới.

Các mô hình bất bình đẳng toàn cầu đang xuất hiện trở lại khi xu hướng tiêm chủng nổi lên. Bên cạnh đó, việc gia tăng cạnh tranh địa chính trị, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, đang cản trở các hình thức hợp tác đa phương trong vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Những quốc gia nghèo hơn và ít ảnh hưởng hơn, đặc biệt là các nước châu Phi, đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc tiếp cận vaccine. Đây được coi là nhân tố có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Nguy cơ rình rập của “một thập kỷ mất mát"

Theo bài phân tích của Trung tâm nghiên cứu Carnegie, châu Phi cần tiếp cận với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để chuyển sang trạng thái bình thường sau đại dịch.

Cũng như các khu vực khác, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế trên khắp khu vực châu Phi. Đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ như Angola, Gabon, Nigeria và Nam Phi, tác động kinh tế của đại dịch đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bắt đầu từ sự sụp đổ của giá hàng hóa vào năm 2015.

Dù là các nền kinh tế lớn nhất châu Phi, Nigeria và Nam Phi vẫn rơi vào suy thoái trong năm 2020. Các quốc gia có nền kinh tế tương đối đa dạng hơn như Bờ Biển Ngà, Ethiopia và Rwanda, vốn có nhịp độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm nhanh nhất thế giới trước đại dịch, cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại.

[IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi]

Nhu cầu tiêu thụ yếu ở các nền kinh tế phát triển đã khiến xuất khẩu suy giảm. Các hạn chế đi lại làm đình trệ ngành du lịch và khách sạn ở các đảo quốc nhỏ như Cabo Verde, Mauritius, São Tomé và Príncipe, và Seychelles.

Đáng chú ý, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp nhỏ. Kiều hối gửi về các nước châu Phi, hiện lớn hơn dòng viện trợ và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã giảm tới 9% trong năm vừa qua.

Hầu hết các nền kinh tế châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn liên quan đến đại dịch trong tương lai gần. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khu vực phía Nam châu Phi sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2021, mức cao hơn so với khu vực Trung Đông, song vẫn thấp hơn các thị trường mới nổi khác.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng cho đến ít nhất năm 2022 và có thể kéo dài tới năm 2024 đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 26-40 triệu người châu Phi có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Gần một nửa số sinh viên châu Phi không được tiếp cận các phương pháp học tập từ xa, ngay cả khi khu vực này vẫn tụt hậu trên bình diện toàn cầu về tỷ lệ nhập học và hoàn thành khóa học.

Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác cũng nổi lên. Gánh nặng nợ công cản trở khả năng của các chính phủ châu Phi trong việc cung cấp trợ giúp xã hội, kích thích kinh tế và mua sắm vật tư y tế.

Một số quốc gia châu Phi bao gồm Ethiopia, Ghana, Kenya và Nigeria đang phải gánh những khoản nợ lớn từ chủ nợ tư nhân và các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và WB.

Trong bối cảnh đó, tác động tích tụ của đại dịch có thể dẫn đến một "thập kỷ mất mát" nữa tại châu Phi. Để nới lỏng hạn chế một cách an toàn, đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và trở lại quỹ đạo phục hồi kinh tế bền vững, châu Phi sẽ cần triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn.

Khó khăn tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 

Đến khi nào các nước châu Phi mới tiếp cận đủ vaccine để bắt đầu trở lại lộ trình phục hồi kinh tế? Theo Economist Intelligence Unit (EIU), phần lớn các nước châu Phi khó có thể tiếp cận vaccine sớm nhất trước năm 2023 cho đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Mốc thời gian này có thể kéo dài đến giữa thập kỷ trên quy mô phạm vi toàn cầu. Do đó, một lục địa phải vật lộn với các nguồn lực hạn chế có thể bị ảnh hưởng rất nhiều từ các tác động kinh tế xã hội của đại dịch do những thách thức xung quanh việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.

Trên thực tế, châu Phi chậm tiếp cận với vaccine do không đủ nguồn cung toàn cầu. Châu lục này cần 1,5 tỷ liều để tiêm chủng cho 60% dân số, ngưỡng mục tiêu hiện tại của Liên minh châu Phi (AU).

Cho đến nay, AU đã bảo đảm 270 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn bao gồm Pfizer và BioNTech, Đại học Oxford và AstraZeneca, cũng như của Johnson&Johnson. Theo ước tính, khoảng một nửa các nước châu Phi đã đặt hàng hoặc đang có kế hoạch đặt 6 loại vaccine chính ngừa COVID-19. 

Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX), nhằm giúp các nước nghèo tiêm chủng tối đa 20% dân số, là một trong những nguồn cung cấp vaccine chính cho châu Phi. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào vaccine Oxford-AstraZeneca có thể hạn chế các mục tiêu này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, nếu không tính vaccine trong cơ chế COVAX, hầu hết các quốc gia châu Phi chỉ đảm bảo đủ tiêm chủng cho từ 5-10% dân số. Nhìn chung, còn thiếu khoảng 1,3 tỷ liều cần thiết để châu Phi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số.

Chi phí mua sắm và cung ứng các loại vaccine này là một vấn đề lớn khác. Theo chiến lược vaccine của AU, 1,5 tỷ liều sẽ có kinh phí khoảng 9 tỷ USD để mua sắm và phân phối.

Mặc dù WB đang cung cấp khoản vay 12 tỷ USD để giúp các nước nghèo mua và phân phối vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19, thì khoản cho vay này mặc dù với lãi suất ưu đãi, cũng có thể làm tăng thêm gánh nặng nợ đối với nhiều nước châu Phi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chỉ có khoảng 20 quốc gia châu Phi chuẩn bị kế hoạch tài chính và phân phối vaccine phù hợp.

Ngay cả khi nguồn cung vaccine được đảm bảo, những thách thức khác xung quanh cơ sở hạ tầng và hậu cần sẽ ảnh hưởng đến chiến lược cung cấp vaccine COVID-19 ở châu Phi.

Chỉ có 22 quốc gia có “hệ thống bảo quản dây chuyền lạnh” để giữ vaccine ở nhiệt độ thích hợp, chưa kể đến các yêu cầu bảo quản cực kỳ nghiêm ngặt đối với vaccine Pfizer và Moderna. Những thách thức khác bao gồm năng lực của nhân viên y tế hạn chế và thông tin sai lệch lan tràn về tiêm chủng ngừa COVID-19.

Sức ép vaccine địa chính trị

Những thách thức của châu Phi trong việc tiếp cận vaccine COVID-19 thực chất là mặt trái của một trật tự đa phương, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.

Sức ép địa chính trị vaccine làm chệch hướng phục hồi châu Phi ảnh 2Tiền của Nam Phi. (Nguồn: Reuters)

Nhà phân tích người Nigeria Nwachukwu Egbunike đã nhận xét, các nước châu Phi, cũng như phần lớn các nước đang phát triển, bị kẹt giữa “ngoại giao sức mạnh mềm” của Trung Quốc và chủ nghĩa dân túy vaccine của phương Tây.

Trong quá trình thúc đẩy ngoại giao vaccine, Trung Quốc tự coi mình là một cường quốc ôn hòa giúp các nước đang phát triển khác vượt qua đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tháng 5/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đưa vaccine COVID-19 của nước này trở thành một mặt hàng phổ biến trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các chi tiết về hoạt động cung cấp vaccine trở nên không rõ ràng. Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc ban đầu đề nghị cung cấp miễn phí loại vaccine này cho các nước châu Phi, song sau đó Bắc Kinh thông báo sẽ cung cấp dịch vụ tiếp cận vaccine với chi phí thấp. 

Giống như những lo ngại xung quanh chất lượng của một số vật tư y tế do Trung Quốc viện trợ trong những ngày đầu của đại dịch, có những nghi vấn xung quanh tính hiệu quả của những loại vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc.

Ví dụ, hiệu quả được ghi nhận của vaccine Sinovac của Trung Quốc chỉ đạt từ 50,4-78%. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thiết lập được một mạng lưới hậu cần để chuẩn bị vận chuyển vaccine đến châu Phi và các khu vực khác thông qua liên kết hàng không giữa thành phố Thâm Quyến và thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Trong khi đó, các cường quốc không phải phương Tây cũng đang tăng cường chính sách ngoại giao vaccine của mình. Nga đã cung cấp cho AU 300 triệu liều vaccine Sputnik V cùng với một gói tài trợ cho các quốc gia muốn đảm bảo việc tiêm chủng.

Một số quốc gia như Algeria, Ai Cập và Guinea cũng đã nhận được đảm bảo nguồn cung cấp vaccine Sputnik V. Ấn Độ thì đang tận dụng ngành công nghiệp dược phẩm rộng lớn để mở rộng quyền lực mềm của mình. Afghanistan, Bangladesh, Myanmar, Maldives, Nepal, Sri Lanka và Seychelles đã nhận được các liều vaccine Oxford-AstraZeneca miễn phí do Viện Huyết thanh Ấn Độ cung cấp.

Có một thực tế là chính sách ngoại giao quyền lực mềm này của các cường quốc mới nổi đang diễn ra cùng với chủ nghĩa dân túy vaccine của các nước giàu có. Giới lãnh đạo y tế cộng đồng đã nhận ra xu hướng tích trữ nguồn cung cấp y tế gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Ví dụ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom đã mô tả một thực tế là “các nước giàu với chỉ 16% dân số thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu.”

Đáng chú ý, Canada đã mua gấp 9 lần nguồn cung cấp vaccine mà nước này cần để tiêm chủng cho toàn bộ dân số. Tương tự, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ cũng đã mua gấp hơn ba lần nhu cầu vaccine của người dân.

Tất nhiên, có thể hiểu rằng các quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD tiền thuế của người dân vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vaccine này sẽ nằm trong danh sách được ưu tiên.

Tuy nhiên, điều không thể bào chữa là chủ nghĩa dân túy vaccine ở các nước giàu đang tạo ra những rào cản không thể vượt qua đối với việc tiếp cận của các nước đang phát triển. Cụ thể, khả năng thử nghiệm và sản xuất giá rẻ vaccine COVID-19 của các quốc gia châu Phi bị cản trở bởi các quy tắc sở hữu trí tuệ cứng nhắc. 

Một đề xuất hồi tháng 10/2020 của Ấn Độ và Nam Phi lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để mở rộng quy mô sản xuất vaccine ở các nước nghèo đã bị các thành viên có thu nhập cao ngăn cản, trong đó có Canada, Na Uy, Mỹ và Anh.

Trái lại, đề xuất miễn trừ lại được sự ủng hộ của một số nước đang phát triển với lập luận rằng các giải pháp tiếp cận thị trường không phát huy hiệu quả như dự tính nhằm cung cấp phương pháp chẩn đoán, điều trị và cung ứng vaccine COVID-19 với số lượng đủ lớn và giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Ngay cả cơ chế COVAX, được tài trợ thông qua các khoản đóng góp từ các quốc gia giàu có, cũng không đủ để đảm bảo tiếp cận nguồn vaccine kịp thời, công bằng và phổ cập.

Tuy nhiên, các nước giàu có đã từ chối đề xuất này với lý do rằng hệ thống sở hữu trí tuệ khuyến khích sự đổi mới và việc tiếp cận công bằng thông qua cơ chế COVAX và chuyển giao công nghệ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Vào thời điểm mà các tờ báo, tạp chí, và các ấn phẩm khác đang khuyến khích người dùng tiếp cận rộng rãi kiến thức về COVID-19, thật đáng ngạc nhiên là chủ nghĩa dân túy về vaccine đang dựng lên những rào cản đối với việc chia sẻ kiến thức.

Do đó, khi một số nước châu Phi có thu nhập thấp và trung bình muốn đảm bảo nguồn cung cấp vaccine, họ đang phải trả nhiều tiền hơn so với các nước giàu có. Cụ thể, Nam Phi đã mua vaccine Oxford-AstraZeneca từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ với giá 5,25 USD/liều, cao hơn gấp đôi so với mức 2,16 USD mà các nước EU chi trả. 

Xác định lộ trình cần thiết

Câu hỏi đặt ra lúc này là cần làm gì để giảm bớt tình trạng đáng lo ngại này? Một số bước đi có thể được thực hiện trong phạm vi nội bộ châu Phi. Từ kinh nghiệm của các quốc gia như Morocco, Seychelles và Nam Phi, nhiều quốc gia nên đảm bảo các thỏa thuận bổ sung với các nhà sản xuất tư nhân để sẵn sàng tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhà hoạch định chính sách, quân nhân và các lĩnh vực trọng yếu khác đối với an ninh quốc gia. 

Những thỏa thuận này có thể được thương lượng thông qua Nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi của AU, vốn đã chứng minh hiệu quả trong việc thu gom số lượng lớn các vật tư y tế khan hiếm nhưng quan trọng.

Ngoài ra, châu Phi cũng cần duy trì những nỗ lực đặc biệt của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi trong việc điều phối toàn khu vực, đồng thời chia sẻ thông tin kịp thời và kiểm soát chất lượng nguồn cung cấp từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nếu chủ yếu dựa vào cơ chế COVAX và các khoản quyên góp từ thiện khác để chống lại đại dịch đang hoành hành, thì điều đó sẽ không phải là phương án trọng tâm trong chiến lược y tế cộng đồng lâu dài của châu Phi.

Do vậy, AU nên thực dụng hơn trong việc phối hợp các quốc gia thành viên nhằm hướng tới chiến lược cùng tồn tại với COVID-19 trong trung hạn, đồng thời hạn chế các ca lây nhiễm và tử vong. Ngoài ra, AU cũng nên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể sản xuất dược phẩm, giống như Ấn Độ đã thực hiện thành công.

Các quốc gia giàu có cũng cần phải hành động nhiều hơn nữa. Họ có nghĩa vụ đạo đức là không được cố ý ngăn cản các nước đang phát triển tiếp cận các nguồn cung cấp y tế và phương pháp điều trị cần thiết để cứu sống hàng tỷ người.

Ngoài khía cạnh đạo đức, chủ nghĩa dân túy vaccine đã nổi lên ở một thời điểm chưa từng có khi lịch sử. Cho đến nay, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tuyên bố tăng gấp đôi tài trợ cho cơ chế COVAX để đảm bảo có nhiều vaccine hơn và đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 1,3 tỷ liều vaccine cho các nền kinh tế nghèo nhất thế giới trong năm nay. 

Trong bối cảnh này, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dưới sự lãnh đạo mới của Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cần ưu tiên phối hợp nới lỏng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ dược phẩm COVID-19, nhằm cho phép tiếp cận vaccine kịp thời và hợp lý hơn, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất ở các nước đang phát triển. 

Đặc biệt, Mỹ có thể cung cấp cho các quốc gia châu Phi khả năng tiếp cận và giá cả phải chăng đối với vaccine Johnson&Johnson, loại vaccine này rất phù hợp với châu Phi khi các yêu cầu bảo quản và vận chuyển ít nghiêm ngặt hơn.

Do đó, Washington nên sử dụng quan hệ lịch sử lâu dài của mình trong các chương trình y tế công cộng hiệu quả ở châu Phi làm bàn đạp để thiết lập lại quan hệ với lục địa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục