WEF ASEAN 2018 đáp ứng quan tâm chung của ASEAN và nhiều nước

Đại sứ, Đại biện lâm thời Đại sứ quán một số nước đã chia sẻ ý kiến về công tác tổ chức Hội nghị WEF về ASEAN, cơ hội và thách thức của ASEAN trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
WEF ASEAN 2018 đáp ứng quan tâm chung của ASEAN và nhiều nước ảnh 1Cuộc họp lần thứ tư Ban Tổ chức Hội nghị WEF về ASEAN. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 sẽ diễn ra từ ngày 11-13/9 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.” 

Nhân dịp này, Đại sứ, Đại biện lâm thời Đại sứ quán một số nước đã chia sẻ ý kiến về công tác tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, cơ hội và thách thức của ASEAN trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhận định cơ hội và thách thức của ASEAN

Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia trong việc tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2016, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid cho biết trong quá trình tổ chức Hội nghị, Malaysia cần nhiều sự hỗ trợ từ phía Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Đối với các công việc liên quan đến quá trình tổ chức, Malaysia được đánh giá có sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác hậu cần.

Ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, Đại sứ Zamruni Khalid cho rằng, Việt Nam ở vị thế phù hợp để đăng cai sự kiện này. Kinh nghiệm của Việt Nam được thể hiện ở việc tổ chức thành công Năm APEC 2017. Việt Nam cũng sẽ thành công trong việc tổ chức Hội nghị WEF ASEAN.

Đánh giá về những cơ hội cũng như thách thức của ASEAN trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại sứ Zamruni Khalid cho rằng, thách thức lớn nhất đó là, nhìn chung các nước ASEAN vẫn kém phát triển hơn so với nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên cũng có một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Về cơ hội cho khối ASEAN, Đại sứ Zamruni Khalid nhấn mạnh, các doanh nghiệp có thể triển khai kinh doanh xuyên quốc gia, nhờ đó, ngày càng có nhiều doanh nhân hơn, tạo ra nhiều thị trường hơn trong khuôn khổ ASEAN.

Theo Đại sứ Zamruni Khalid bày tỏ tin tưởng các nước có thể học hỏi cùng nhau. ASEAN cũng đang có những diễn đàn riêng để thảo luận về vấn đề này nhằm tìm ra hướng đi để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong khối ASEAN.

Các doanh nghiệp ASEAN cần cùng nhau ngồi lại để thảo luận làm thế nào có thể trưởng thành, phát triển trong một môi trường với sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, so với những quốc gia khác trong khối ASEAN, Indonesia không có nhiều điểm khác biệt. Do đó, Indonesia cần kết nối và hợp tác nhiều hơn nữa với các các quốc gia ASEAN trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại sứ Ibnu Hadi cho biết, Indonesia đang huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong giới doanh nghiệp, học giả, nhà hoạch định chính sách để cùng nghiên cứu, tìm ra những hướng đi phù hợp với nước mình trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chia sẻ về Chủ đề của Năm ASEAN 2018 - “ASEAN Tự cường và Sáng tạo,” Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, ông Tan Wei Ming cho biết, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2018, Singapore mong muốn cùng các nước ASEAN thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đổi mới để thích ứng với những biến chuyển sâu sắc đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới.

Ông Tan Wei Ming đánh giá chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm nay tại Việt Nam về “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” rất thiết thực, đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới, đồng thời gắn kết chặt chẽ với chủ đề của ASEAN năm 2018.

[WEF ASEAN 2018 tạo vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế]

Thể hiện tiềm năng phát triển của Việt Nam

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng, người có nhiều năm gắn bó với Diễn đàn Kinh tế thế giới từ khi còn giữ chức Vụ trưởng Vụ Kinh tế Bộ Ngoại giao, người đã góp phần đưa Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về tổ chức thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 chia sẻ, thời điểm năm 2010, Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ tổ chức ở những nước lớn như ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc..., khu vực ASEAN chưa có quốc gia nào đăng cai.

Theo ông Đoàn Xuân Hưng, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã trở thành một trong những diễn đàn nổi bật trên toàn cầu, là một “chợ ý tưởng” cực kỳ lớn; tất cả các chính khách đương chức, cựu chính khách, hàng nghìn doanh nghiệp nổi bật nhất trên toàn cầu… đều đến tham dự và trao đổi về ý tưởng và những xu hướng mới.

Nếu Việt Nam nắm bắt được xu hướng này sẽ hoàn toàn có cơ hội góp phần hoạch định tương lai phát triển của đất nước.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN thu hút sự quan tâm rất lớn của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, là cơ hội tuyệt vời thể hiện tiềm năng phát triển của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Ông Đoàn Xuân Hưng cho rằng, việc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tổ chức tại Việt Nam là một sáng kiến có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu dịch chuyển theo cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN lần này không chỉ quảng bá một Cộng đồng ASEAN phát triển năng động mà còn quảng bá một Việt Nam có ý chí quyết tâm, Chính phủ kiến tạo, các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức cho đất nước.

Sáng kiến đưa Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Việt Nam rất có ích cho việc thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập kết nối trong ASEAN. Trong đó Việt Nam tiếp tục là một thành viên chủ đạo, thúc đẩy nguồn lực.

Đây cũng là một trong những hướng đi của ngoại giao kinh tế Việt Nam, kéo các diễn đàn quốc tế về Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cũng theo ông Đoàn Xuân Hưng, Việt Nam không chỉ tham gia tổ chức Hội nghị mà còn phải nghiên cứu, tìm ra khâu then chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điểm phù hợp và cần phát triển như: cơ sở hạ tầng số hóa, Chính phủ điện tử…, từ đó kết hợp với tình hình hiện tại của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục