WEF ASEAN 2018 tạo vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế

Việt Nam đề nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh về Việt Nam, trong đó bàn nhiều tới việc doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
WEF ASEAN 2018 tạo vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 11-13/9, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018).

Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị và những đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

- Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN lần này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn ra nhanh và phức tạp, quan trọng hơn là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng tới toàn bộ kinh tế thế giới, trong đó có các nước ASEAN. Trong bối cảnh đó, khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 có ý nghĩa sau:

Một là, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện rõ là nước trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Với việc đăng cai này có sự hỗ trợ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cùng các nền kinh tế khu vực khác, chứng tỏ Việt Nam là thành viên rất tích cực, không chỉ của khu vực ASEAN mà của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, việc tổ chức Hội nghị lần này có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các nền kinh tế của các nước ASEAN và ngoài khu vực, quan trọng hơn là cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đăng ký tham dự khoảng 800-1000 đại biểu, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng, đánh giá những nhận xét về chiều hướng, diễn biến, tác động của kinh tế thế giới đối với các quốc gia.

Đặc biệt năm nay, Hội nghị sẽ đánh giá sâu về những tác động của kinh tế thế giới về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đối với các nền kinh tế khu vực ASEAN và các nền kinh tế khác khi tham gia Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sẽ nắm bắt được các ý tưởng, xu hướng này để có đối sách phù hợp trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, sự gắn kết giữa ASEAN và Việt Nam cũng được thể hiện rõ. Trong ASEAN năm nay, Singapore là Chủ tịch ASEAN đã đưa ra chủ đề “tự cường, sáng tạo.” Nhân Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Việt Nam gắn kết chặt chẽ chủ đề của ASEAN nói chung nhưng nâng được tầm, vị thế, sự gắn kết của các nước ASEAN với nhau, các nền kinh tế của ASEAN với nhau, tạo ra hình ảnh ASEAN đoàn kết, năng động, tự cường trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như vậy cũng tạo ra được vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế cũng như tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho phát triển.

- Tham gia hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ năm 1989 và ngày càng tăng cường hợp tác trong những năm gần đây, Thứ trưởng có thể cho biết những đóng góp và sáng kiến nổi bật của Việt Nam cho diễn đàn quan trọng này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ năm 1989, đóng góp đánh dấu chặng đường tham gia của Việt Nam vào Diễn đàn là, năm 2010 khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, các nước ASEAN.

Lúc đó, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu vừa diễn ra năm 2008 và năm 2009, chủ đề của Hội nghị mà Việt Nam đưa ra là tăng cường sự liên kết kinh tế khu vực cùng nhau vượt qua thách thức. 

Chính Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á đã đề ra nhiều giải pháp mà các nền kinh tế sau này vận dụng vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008 và năm 2009. Do đó các thành viên tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009.

[Khẩn trương hoàn tất công tác tổ chức Hội nghị WEF ASEAN]

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên đã ký Thỏa thuận hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới về phát triển phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên thực tế, đây là thỏa thuận đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới ký với một quốc gia trên thế giới và việc ký kết đó được triển khai rất cụ thể ngay trong năm 2017 và năm 2018.

Cho đến nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã triển khai đồng bộ trên các trụ cột hợp tác: thương mại, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp… tư vấn giúp Việt Nam có chính sách thích hợp, tranh thủ được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua những thách thức đặt ra.

Trong những năm gần đây, hầu hết các Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới đều có lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham gia. Đặc biệt hơn, Diễn đàn Kinh tế Thế giới mời Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào các phiên khác nhau hoặc những chủ đề khác nhau trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos hoặc Hội nghị diễn đàn tại khu vực.

WEF ASEAN 2018 tạo vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế ảnh 2Tọa đàm về Chương trình Nghị sự của Hội nghị WEF ASEAN 2018. (Nguồn: TTXVN)


Việt Nam tham gia, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, cải cách kinh tế trong đổi mới mô hình tăng trưởng… Những nội dung này rất phù hợp với các chủ đề khác nhau của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và nhận được sự tán thành và đánh giá khác nhau về tinh thần trách nhiệm, sự tham gia của Việt Nam.

Ngược lại khi tham gia, Việt Nam cũng nhận được sự chia sẻ của những nước khác và cộng đồng doanh nghiệp của các nước khác về những kinh nghiệm khác nhau áp dụng vào Việt Nam để đổi mới, cải cách kinh tế, trong những năm vừa qua đạt được kết quả thiết thực.

- Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị WEF ASEAN lần này, nhìn vào nội dung chương trình có nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy Thứ trưởng có thể đánh giá đâu sẽ là những nội dung chính của Hội nghị lần này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngay từ đầu, Việt Nam tham gia ngay vào khâu định hình nội dung chủ đề của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018. Trên cơ sở phát huy chủ đề của ASEAN nói chung là “tự cường, sáng tạo,” Việt Nam kiến nghị với Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác định chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” như vậy gắn được chủ đề chung của ASEAN với tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp ứng phó, tận dụng, vượt qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá cao.

Ngay từ khâu xây dựng nội dung Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các nền kinh tế khu vực ASEAN về các nội dung khác nhau và bàn với Diễn đàn Kinh tế Thế giới để đưa vào nội dung thảo luận các chủ đề hay tiểu chủ đề sát sườn với ASEAN như: xây dựng hạ tầng, đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo việc làm trong bối cảnh các nước ASEAN dư thừa lao động… Vừa là các nước ASEAN chia sẻ với cộng đồng quốc tế và ngược lại cùng tranh thủ ý kiến của cộng đồng quốc tế đánh giá về ASEAN để xây dựng chính sách cho phù hợp.

Về khâu tổ chức, năm nay với tinh thần không chỉ phát huy hình ảnh của Việt Nam nói riêng mà còn là của ASEAN nói chung. Do đó trong khâu tổ chức, chúng tôi đều lấy ý kiến chung của các nước ASEAN.

Ngay trong tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, Việt Nam đề xuất, áp dụng công nghệ đưa ra 10 màn hình Led khác nhau quảng bá cho 10 nền kinh tế của 10 nước ASEAN ngay trong Hội nghị, được các nước ASEAN đánh giá cao.

Riêng đối với Việt Nam, năm nay ngoài tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, Việt Nam cũng bàn với các nước ASEAN, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với tư cách là nước chủ nhà. Việt Nam cũng đưa một số nội dung sát sườn không chỉ cho ASEAN mà cho cả Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam tổ chức riêng một Diễn đàn Tầm nhìn sáng tạo vào sáng 11/9 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chia sẻ những kinh nghiệm khác nhau của các nước ASEAN và thế giới về khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, Việt Nam đề nghị với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh về Việt Nam, trong đó bàn nhiều tới việc doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tất cả những nội dung này sẽ tạo ra những chủ đề “đinh” không chỉ phù hợp với lợi ích cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN.

Cuối cùng, năm nay cũng là thời điểm thuận lợi, Việt Nam có nền kinh tế phát triển năng động, ổn định, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đến nay, hầu hết lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018. Đây là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở khu vực có sự tham gia đông đảo nhất của lãnh đạo, tôi tin rằng chất lượng thảo luận, những chia sẻ kinh nghiệm của các nước sẽ tăng lên.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục