WHO kêu gọi đảm bảo phân phối công bằng vắcxin COVID-19

Triển vọng phân phối công bằng số lượng vắcxin đang tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, trong bối cảnh chương trình chia sẻ vắcxin COVAX dự kiến triển khai tiêm chủng từ tháng 2 tới.
WHO kêu gọi đảm bảo phân phối công bằng vắcxin COVID-19 ảnh 1Người dân được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Petrinja, Croatia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về vấn đề phân phối vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu hiện nay, trong đó cho rằng thế giới đang bên bờ vực của "một sự thất bại nghiêm trọng về đạo đức."

Qua đó, ông Ghebreyesus hối thúc các nước và các nhà sản xuất chia sẻ vắcxin trên toàn cầu đồng đều hơn.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của ban giám đốc điều hành WHO được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 18/1, người đứng đầu WHO cho rằng triển vọng phân phối công bằng số lượng vắcxin đang tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, trong bối cảnh chương trình chia sẻ vắcxin COVAX dự kiến triển khai tiêm chủng từ tháng 2 tới.

[Nước nghèo sẽ nhận lô vắcxin COVAX đầu tiên trong quý 1]

Ông Ghebreyesus cho biết trong năm 2020 có tổng cộng 44 thỏa thuận song phương về cung cấp vắcxin được ký kết và còn ít nhất 12 thỏa thuận khác trong năm nay.

Theo ông Ghebreyesus, điều này có thể làm chậm trễ việc phân phối vắcxin theo chương trình COVAX, đồng thời dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vắcxin, tiếp tục gây chia rẽ xã hội và kinh tế - những vấn đề mà chương trình COVAX muốn tránh gặp phải.

Tình cảnh này sẽ khiến nhóm người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất hứng chịu những rủi ro đầu tiên, và hậu quả sau cùng của việc phân phối vắcxin không đồng đều là khiến đại dịch kéo dài.

Ông Ghebreyesus cho biết hơn 39 triệu liều vắcxin đã và đang được phân phối tại 49 nước có thu nhập cao hơn, trong khi có nước nghèo chỉ mới nhận được 25 liều vắcxin.

Hiện vắcxin được xem là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường hiện nay. Chính vì lý do này, các nước đang tích cực tìm kiếm nguồn cung vắcxin để đảm bảo chương trình tiêm chủng trong nước.

Thực tế này khiến nguồn cung vắcxin, vốn còn nhiều hạn chế do đến nay chỉ có một số loại vắcxin được cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và châu Âu cấp phép lưu hành, càng trở nên khan hiếm hơn.

Có nhiều loại vắcxin khác đang trong quá trình thử nghiệm tuy nhiên vẫn chưa rõ về tính hiệu quả và an toàn phòng bệnh.

Trong khi vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng tỏ những vắcxin ngừa COVID-19 đã được sản xuất có khả năng chống lại các biến thể mới của SARS-CoV-2, điều này càng làm tăng sức ép đối với ngành sản xuất vắcxin hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot . (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Đàm phán ba bên giữa Mỹ-Ukraine-EU tại Pháp

Ngày 17/4, Pháp đã tổ chức một cuộc họp ba bên về Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ, Ukraine và EU tiến hành đàm phán chung kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1 năm nay.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani tại Moskva. (Nguồn: Middle East)

Nga-Qatar mở rộng quỹ đầu tư chung lên 2 tỷ euro

Ngày 17/4, Nga và Qatar ký một thỏa thuận đầu tư chung, theo đó mỗi nước sẽ đóng góp thêm 1 tỷ euro vào một quỹ đầu tư chung, nâng tổng giá trị chương trình đầu tư lên khoảng 2 tỷ euro.