Tuần lễ Tiêm chủng thế giới 2020 kết thúc ngày 30/4 trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm đình trệ hầu hết các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo một số dịch bệnh, trong đó có những bệnh đe dọa tính mạng con người song hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng vắcxin, có nguy cơ bùng phát khi đại dịch COVID-19 hiện nay được khống chế.
Thực trạng này không chỉ đe dọa làm giảm ý nghĩa của một trong những câu chuyện thành công nhất trong lịch sử y tế thế giới là tiêm chủng phòng bệnh, mà còn khiến cộng đồng quốc tế không thể hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch hành động vắcxin toàn cầu (GVAP) trong “Thập niên vắcxin” 2011-2020.
Theo WHO, ít nhất 14 chiến dịch tiêm chủng vắcxin phòng bệnh bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng da và viêm màng não ở nhiều nơi trên thế giới đã phải tạm dừng hoặc hoãn lại.
Hầu các quốc gia đã ngừng các chiến dịch tiêm phòng bại liệt mở rộng cho trẻ em, ít nhất 25 nước đã hoãn các chiến dịch tiêm chủng sởi hàng loạt, các cơ sở tiêm chủng phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động, nhân viên y tế không đủ do hầu hết đã được huy động tham gia chống dịch COVID-19, dịch bệnh cũng khiến phụ huynh ngần ngại đưa trẻ tới tiêm chủng…
Trong bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các chiến dịch tiêm chủng dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020 tại ít nhất 13 quốc gia cũng có thể không được triển khai. Điều đó đồng nghĩa với hơn 117 triệu trẻ em sẽ không được vắcxin bảo vệ khỏi bệnh sởi.
Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới làm gián đoạn nguồn cung vắcxin, càng khiến tình trạng thiếu hụt vắcxin thêm trầm trọng. Ít nhất 21 nước có thu nhập thấp và trung bình đã thông báo hết vắcxin.
Ông Paul Molinaro, Trưởng bộ phận hỗ trợ và hậu cần của WHO, cho biết hoạt động vận chuyển vắcxin toàn cầu đã bị gián đoạn trong tháng Tư này và nếu tình trạng này tiếp diễn tới tháng Năm, chiến dịch tiêm chủng định kỳ tại nhiều nơi chắc chắn không thể tiến hành.
[Những thách thức đầu tiên của cuộc đua tìm kiếm vắcxin phòng COVID-19]
Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO, bà Katherine O’Brien cảnh báo: “Nếu con người không được vắcxin bảo vệ, các bệnh như sởi, tả, viêm màng não, sốt vàng da và bại liệt có thể bùng phát thành dịch. Sẽ rất nguy hiểm, không chỉ đối với người nhiễm bệnh, mà với cả hệ thống y tế, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.”
Hậu quả của nó, là hàng trăm nghìn trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe, những đợt bùng phát bệnh dịch thảm khốc trong năm 2020 và những năm tiếp theo, kéo theo là cuộc khủng hoảng y tế công. Tình hình sẽ còn trầm trọng hơn nếu dịch COVID-19 chưa được khống chế mà các dịch sởi, bại liệt lại bùng phát.
Một số dịch bệnh như sởi và bạch hầu đã bùng phát tại khu vực Nam Á sau khi khoảng 5 triệu trẻ em ở khu vực này không được tiêm vắcxin định kỳ do hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn. Bangladesh và Nepal đã tạm dừng chiến dịch tiêm vắcxin phòng sởi và rubella. Pakistan và Afghanistan đang ngừng chương trình tiêm chủng phòng bại liệt.
Tình hình tại châu Phi còn nghiêm trọng hơn. Một loạt các quốc gia nghèo ở châu Phi, từ Burkina Faso tới Uganda đã phải huy động nguồn tài chính ít ỏi để chống dịch COVID-19 và “bỏ qua” các chiến dịch tiêm chủng vắcxin toàn quốc ngừa những căn bệnh khác.
Giới chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại châu Phi sẽ dễ bị tổn thương nhất nếu các căn bệnh có thể ngăn chặn bằng vắcxin bùng phát, như trường hợp của Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia có tới 6,2 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm vắcxin sởi, dẫn tới khoảng 6.500 ca tử vong.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm vắcxin cứu được sinh mạng của 2-3 triệu người. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) ước tính gián đoạn tiêm chủng sẽ dẫn tới ít nhất 13,5- 14 triệu người ở các nước kém phát triển nhất không được bảo vệ trước các bệnh như sởi, bại liệt. Đây là những dịch bệnh lớn trong quá khứ nay đã được khống chế, nhưng nếu không tiêm vắcxin trong khoảng thời gian dài, những căn bệnh đó sẽ bùng phát trở lại.
Câu chuyện dịch sởi bùng phát đáng báo động năm 2019, bao gồm cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh và Pháp, là minh chứng rõ rệt nhất.
Trong giai đoạn 2010-2018, khoảng 182 triệu trẻ em không được tiêm chủng liều vắcxin sởi đầu tiên, tương đương 20,3 triệu trẻ em mỗi năm. Điều này là do mức độ phổ cập tiêm chủng vắcxin sởi trên toàn cầu chỉ đạt 86%, trong khi để ngăn chặn dịch sởi bùng phát, mức độ phải đạt 95%.
Một nguyên nhân nữa là phong trào “tẩy chay vắcxin” lan rộng tại phương Tây vài năm trước. Kết quả là năm 2018, bệnh sởi cướp đi sinh mạng của 142.300 người trên toàn cầu.
Trong hai năm qua, thế giới cũng đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin. Diễn biến dịch COVID-19 phức tạp càng khiến nỗ lực đạt được tất cả các mục tiêu để loại bỏ bệnh tật, bao gồm sởi, rubella, uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào cuối năm 2020, theo cam kết mà các nước đề ra trong GVAP, khó có thể trở thành hiện thực khi “Thập niên vắcxin” kết thúc.
Khi thực hiện GVAP, cộng đồng quốc tế từng đặt mục tiêu trong “Thập niên vắcxin” 2011-2020, thông qua cách tiếp cận vắcxin phù hợp là tới năm 2020 đạt độ bao phủ tiêm chủng từ 90% trở lên ở cấp độ quốc gia và 80% trở lên ở cấp độ khu vực, sẽ ngăn ngừa được hàng triệu ca tử vong và nhanh chóng kiểm soát tất cả các căn bệnh có thể ngăn chặn bằng vắcxin. Nay sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến mục tiêu của “Thập niên vắcxin” trở nên dang dở.
Tuy nhiên, thực tế dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới cũng cho thấy một khía cạnh khác: ứng phó với dịch bệnh sau khi dịch bệnh xảy ra thường không hiệu quả và tốn kém rất nhiều. Bởi vậy mà phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là biện pháp bền vững, mà đối với các loại dịch bệnh đã có vắcxin đây chính là vũ khí hiệu quả nhất.
Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley cảnh báo rằng “di sản” của COVID-19 không được phép bao gồm cả việc “hồi sinh” trên toàn cầu những căn bệnh gây chết người như bệnh sởi, vốn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắcxin.
Nói cách khác, chống dịch COVID-19 rõ ràng là nhiệm vụ cần được ưu tiên vào lúc này, nhưng không vì thế mà “lãng quên” nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm không kém.
Chỉ có như vậy, những thành quả mà cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực mới đạt được trong “Thập niên vắcxin” 2011-2020, mới không uổng phí./.