WHO thông báo 100 ca nhiễm Ebola ở miền Tây CHDC Congo

Đến nay, dịch đã lây lan tới 11 trong tổng số 17 vùng y tế của tỉnh Equateur. Trong tổng số 100 ca được ghi nhận, có 96 ca đã được xác nhận nhiễm và 4 ca còn lại nghi nhiễm.
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo. (Nguồn: AFP)
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo. (Nguồn: AFP)

Ngày 21/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có tổng cộng 100 ca nhiễm Ebola được ghi nhận tại tỉnh Equateur, miền Tây Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo thông cáo báo chí của WHO, Cộng hòa Dân chủ Congo đã công bố đợt bùng phát Ebola thứ 11 tại thành phố Mbandaka, thủ phủ tỉnh Equateur vào ngày 1/6 vừa qua, thời điểm nước này chuẩn bị tuyên bố chấm dứt dịch Ebola ở miền Đông.

Đến nay, dịch đã lây lan tới 11 trong tổng số 17 vùng y tế của tỉnh này. Trong tổng số 100 ca được ghi nhận, có 96 ca đã được xác nhận nhiễm và 4 ca còn lại nghi nhiễm.

Theo báo cáo hằng tuần của nhóm ứng phó thuộc Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo, tổng cộng có 43 người đã tử vong do Ebola kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại khu vực trên. Số ca nhiễm đã tăng gấp đôi trong 5 tuần qua.

Phát biểu tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sỹ Matshidiso Moeti nhận định với 100 ca nhiễm trong chưa đầy 100 ngày, tình hình dịch Ebola tại tỉnh Equateur đang ngày càng đáng lo ngại.

Các cộng đồng bị ảnh hưởng sinh sống rải rác ở khu vực trải dài 300km trong những khu rừng hẻo lánh và rậm rạp, gây khó khăn cho công tác hậu cần.

[Bùng phát ổ dịch Ebola mới tại vùng Tây Bắc CHDC Congo]

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiêu tốn nhiều nguồn lực và thu hút sự quan tâm, việc mở rộng chiến dịch là rất khó khăn.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi các nhân viên y tế đình công đòi tăng lương. Bà Moeti đánh giá Cộng hòa Dân chủ Congo có lực lượng y tế được đào tạo tốt nhất thế giới về chống dịch Ebola và tình hình hiện nay cần được giải quyết nhanh nhất có thể.

Theo WHO, Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo đã trình kế hoạch chống dịch Ebola tới các nhà tài trợ và đối tác.

Chương trình này cần 40 triệu USD để thực hiện, song số tiền viện trợ thu về mới chỉ dừng ở 4 triệu USD. WHO cho biết đã chi 2,3 triệu USD để chống dịch Ebola.

Ngày 25/6  vừa qua, Cộng hòa Dân chủ Congo tuyên bố đã chấm dứt dịch Ebola tại miền Đông nước này. Kể từ khi bùng phát gần 2 năm trước đây, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.

Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo Eteni Longondo đánh giá đây là dịch bệnh dài nhất, phức tạp nhất và chết chóc nhất trong lịch sử nước này.

Năm 2018, cũng chính tỉnh Equateur ghi nhận đợt bùng phát Ebola thứ 9 trước khi kiểm soát được trong vòng chưa đầy 3 tháng, với 54 ca và 33 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục