Bão số 10 qua đi, người dân xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình chưa kịp khắc phục hậu quả thì đến trận lốc xoáy kinh hoàng sáng 16/10 lại khiến hai người chết và 13 người bị thương. Ngày 17/10, khi nước bắt đầu rút xuống, các lực lượng mới tiếp cận được xã Quảng Sơn. Trong đó, hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn bị thiệt hại nặng nề, cây cối gãy đổ, nhà cửa tốc mái xiêu vẹo và đổ nát. Hà Sơn tan hoang Thôn Hà Sơn là một vùng cồn bãi, con sông Rào Nan nước cuồn cuộn đổ về, trên chuyến ca nô của bộ đội biên phòng, rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được. Từ con đường ngập sâu gần 1m, ông Mai Văn Thế cố gắng tiếp cận với đoàn chúng tôi để xin mỳ tôm, nước uống. Ông kể: Mấy ngày qua người dân trong làng chúng tôi không ăn, uống, ai ai cũng phờ phạc, mấy chục năm qua mới thấy trận lốc và lũ kinh khủng thế này. Con đường vào làng giờ nước đã rút nhưng trận lũ ngày 16/10 đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà nơi đây từ 3 đến 4m, giờ đây nó để lại một lớp bùn non dày từ 20 đến 50cm, cây cối và tường rào đổ sập ngang đường, 100% nhà cửa nơi đây bị tốc mái, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ, đồ đạc bị cuốn trôi, gia súc cũng không thấy. [Quảng Bình chìm trong biển nước, đã có 5 người chết] Trong trận lốc xoáy và lũ vừa qua, nhà cụ Mai Thị Con, 85 tuổi, thôn Hà Sơn bị ngập sâu, cụ ở một mình nhưng rất may được con cháu đến đưa lên trên gác cao trú ẩn và khi mọi thứ trở lại bình thường thì nhà cụ cũng không còn gì nữa, ngay cả tấm di ảnh của liệt sỹ Phạm Văn Cạt, em chồng cụ cũng theo dòng nước cuốn trôi. Cụ kể: Khi đó gió rít mạnh và cuốn đi mọi thứ, may các con cháu đưa lên đây, hai ngày phải chịu đói khát. Khổ lắm! Đến 8 giờ ngày 17/10, những chuyến hàng cứa trợ khẩn cấp của Bộ đội biên phòng Quảng Bình vừa cập bến Hà Sơn thì hàng trăm người đã ra để xin nước và lương thực chống đói. Thiệt hại bình quân mỗi gia đình khoảng từ 20 đến 100 triệu đồng, số tiền quá lớn để họ có thể ổn định sinh hoạt như cũ. Ngôi nhà của anh Nguyễn Tiến Hừng, 43 tuổi, thôn Hà Sơn không còn gì ngoài cái giường chông chênh và lấp đầy bùn đất, mái nhà bị tốc và sập, rất may cả 5 người trong gia đình đều không bị thương. Linh Cận Sơn chìm trong tang tóc Từ thôn Hà Sơn, băng qua từng con nước mênh mông, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 3km mới tiếp cận được với thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, nơi xảy ra cơn lốc xoáy kinh hoàng rạng sáng 16/10 làm hai người chết, 13 người bị thương nặng và hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái và hư hỏng nặng.
Cụ bà Mai Thị Con, thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn, Quảng Bình đã hai ngày ở trên gác chờ cứu trợ. (Ảnh: Đức Thọ/Vietnam+)
Từ đầu thôn, hàng chục người vây quanh ngôi nhà bị sập đổ, chỉ thấy một bé trai ngồi nhặt những mẩu giấy rách nát do bị ngâm trong nước, những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt trẻ thơ. Cậu bé là Phan Ngọc Trung, học lớp 6, con trai của anh Phan Xuân Sơn (người thiệt mạng trong trận lốc xoáy vừa qua). Cháu Trung cho biết: Ba cháu chết rồi, mẹ cháu bị thương nặng đang cấp cứu tại bệnh viện, giờ cháu không biết phải làm sao nữa.
Bộ đội biên phòng Quảng Bình sơ tán dân Quảng Sơn lên vùng cao. (Ảnh: Đức Thọ/Vietnam+)
Thôn Linh Cận Sơn sau cơn lốc xoáy kinh hoàng là một khung cảnh tan hoang, tang tóc đến nao lòng. Ngôi nhà anh Mai Xuân Phụ, người thứ hai bị chết trong trận lốc xoáy, giờ chỉ còn bộ khung trống trơn, mọi người đang cố gắng che tạm tấm bạt trước thềm để lập bàn thờ cho anh. Trận lốc xoáy và lũ lụt qua đi, người dân nơi đây nghèo lại càng nghèo hơn. Trưởng thôn Trần Ngọc Giới chân đi khập khiễng vì bị mái tôn cắt nhưng ông vẫn lặn lội đi thông tin cho người dân để nhận mỳ tôm và nước uống của các đơn vị cứu trợ. Khuôn mặt nhợt nhạt và mệt mỏi, ông cho biết: Hiện tại người dân nơi đây rất khó khăn về lương thực và nước uống, những người bị thương đang đi cấp cứu cũng không biết chết hay sống. Trong khi đó, đến tối 17/10, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang trong tình trạng ngập lụt do mưa lũ ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 gây nên. Chỉ tính riêng tại 7/20 huyện, thị xã trong tỉnh (Nam Đàn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc) đã có 3.513 nhà ở của người dân bị ngập. Những khu vực bị ngập nặng nhất là các xã dọc ven sông Lam và những vùng trũng, những địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của xả lũ. Chỉ trong 3 ngày qua, mưa lũ đã làm thiệt hại của người dân 17,5ha lúa, 482ha ngô và rau màu, 65ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 1.725ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, chết 12.100 con gia cầm. Do nhiều hộ dân chưa thể trở về nhà, đang sống trong tình trạng tạm bợ nên chưa thể thống kê được thiệt hại về tài sản trong các gia đình. Tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân; khuyến cáo người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già không đi lại trên những tuyến đường đang ngập nước hoặc những nơi được cảnh báo đang nguy hiểm. Tỉnh Nghệ An cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Hiện nay người dân tại các vùng lũ trong tỉnh Nghệ An đang thiếu thốn đủ bề, cần nhất lúc này đối với người dân là nước uống, lương thực, thuốc chữa bệnh và những nguồn động viên, hỗ trợ khác để giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống./.
Nguyễn Đức Thọ-Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)