Xây dựng gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Sau gần hai năm thực hiện, toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay...

Các đại biểu tham quan 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh,' ngày 19/9/2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các đại biểu tham quan 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh,' ngày 19/9/2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 23/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công bố 10 sự kiện, hoạt động nổi bật trong công tác xây dựng Đảng năm 2023 của Đảng bộ thành phố.

Đáng chú ý, trong các sự kiện hoạt động về triển khai các nghị quyết quan trọng của Trung ương, xây dựng thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng như các dấu ấn về công tác xây dựng Đảng.

10 sự kiện, hoạt động nổi bật trong công tác xây dựng Đảng năm 2023 của Đảng bộ Thành phố bao gồm:

1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; quyết liệt giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, khó khăn nhiều năm, cũng như các dự án, công trình trọng điểm phát triển thành phố.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đoàn kết, quyết tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan tỏa lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW; chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chủ trương để tạo đột phá, giải quyết điểm nghẽn về phát triển kinh tế-xã hội; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Cả hệ thống chính trị thành phố tập trung các giải pháp thực hiện các công trình trọng điểm phát triển thành phố; tái khởi động thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng.

2. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.

Sau gần hai năm thực hiện, toàn thành phố đã có gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay; nhiều cơ sở tôn giáo, thờ tự, cộng đồng các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác, chia sẻ trên trang cá nhân của cán bộ, đảng viên tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp đến các cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

3. Ban Thường vụ Thành ủy đã tích cực chỉ đạo tham gia 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam trên các lĩnh vực; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam nhằm bổ sung, hoàn thiện các nội dung tổng kết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương.

4. Thực hiện tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5-khóa XIII, ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Trọng tâm là đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, Bí thư chi bộ khu phố ấp, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu phố ấp. Đặc biệt, trong năm 2023, đưa đối tượng Bí thư chi bộ khu phố ấp vào danh mục thăm và chăm lo Tết hàng năm của thành phố. Trong năm, toàn thành phố đã kết nạp được 7.995 đảng viên mới (đạt 3,17% so với tổng số đảng viên toàn thành phố), nâng tổng số đảng viên hiện nay là 255.576 đảng viên toàn Đảng bộ thành phố.

5. Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc, quy trình, quy định, dân chủ, đề cao tính cạnh tranh từ khâu quy hoạch, đào tạo đánh giá, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ; triển khai 2 quy trình khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, hoàn thiện quy trình theo thẩm quyền của thành phố để có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện; đang hoàn thiện cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

6. Về tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội thảo đã cung cấp các căn cứ chính trị, luận cứ khoa học để thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực các chỉ dẫn của Tổng Bí thư trong tác phẩm này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; giúp quyết tâm đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý phát triển bền vững Thành phố trong bối cảnh phát triển mới.

7. Hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thông qua các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đã lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền Thành phố.

8. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Hầu hết các nội dung kiểm tra, giám sát (giám sát chuyên đề, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng...) đã hoàn thành vượt chương trình, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp đã chỉ đạo thực hiện: Tập trung giám sát chuyên đề đối với những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; khắc phục trên 90% hạn chế, khuyết điểm sau các cuộc kiểm tra, giám sát; sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện 11 quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị; tổ chức nhiều hội nghị giao ban chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

9. Kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố về “Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên.”

10. Đẩy mạnh thực hiện “Dân chủ ở cơ sở” gắn với phát huy quyền làm chủ nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nội dung “5 không” trong hệ thống chính trị thành phố.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nội dung “5 không” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với chủ đề năm của thành phố; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất nâng cấp, mở rộng đường, hẻm; xây dựng đô thị văn minh; chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương”.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục