Sau hàng chục năm giữ vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, giữa tháng 8/2020 giá gạo Việt Nam xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua Thái Lan vươn lên dẫn đầu thế giới, tạo nên kỳ vọng về vị thế mới cho hạt gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, vị thế đó không giữ được lâu vì chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được khẳng định. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần bắt đầu từ tổ chức sản xuất hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.
Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm và đã đạt đến con số từ 6-7 triệu tấn mỗi năm, có khả năng dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu.
Thế nhưng giá trị ngoại tệ mà xuất khẩu gạo mang lại cho nền kinh tế lại chưa tương xứng với vai trò vốn có của nó và công sức của người trồng lúa. Nguyên nhân được cho xuất phát từ việc sản xuất thiếu đồng bộ và chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu “theo lô”
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty gạo Việt Hưng, tỉnh Tiền Giang, cho biết việc xuất khẩu gạo hiện nay vẫn tiến triển tốt với các thị trường chính là Hong Kong (Trung Quốc), Philippines, Malaysia. Khoảng giữa tháng 8/2020, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao hơn gạo Thái Lan 15-20 USD/tấn do đồng baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến hàng xuất khẩu của Thái Lan bị thiệt thòi.
Thêm vào đó, sản lượng gạo 5% tấm trong vụ Hè Thu rất ít và đã được thu mua hết, trong khi nhiều quốc gia chọn loại gạo này để dự trữ nên cũng không đủ cầu khiến giá tăng mạnh.
[Hiệp định EVFTA: Gạo Việt Nam tự tin vào thị trường EU]
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, khi giá gạo Việt Nam lên quá cao, các thị trường nhập khẩu không chấp nhận được thì giá xuất khẩu nhanh chóng quay đầu giảm và đến cuối tháng 8, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, giá gạo Việt Nam tăng trong thời gian ngắn vừa qua là do tăng cầu trong ngắn hạn nhưng về lâu dài thì chất lượng gạo vẫn là yếu tố quyết định giá xuất khẩu.
Chất lượng gạo không đồng đều dẫn đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam qua nhiều năm vẫn không được cải thiện bao nhiêu.
“Thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay mới là khái niệm chung về gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn gạo Việt Nam xuất khẩu theo lô cho các doanh nghiệp nhập khẩu tự đóng gói và phân phối chứ chưa có những thương hiệu riêng có thể bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Số doanh nghiệp có thể xuất khẩu gạo thơm với thương hiệu riêng rất hiếm hoi và số lượng cũng rất hạn chế.”
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, hiện nay Việt Nam đã có nhiều loại ngon và có chất lượng tốt, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt còn quá dễ dãi trong mua bán, có xu hướng chấp nhận bán giá thấp hơn Thái Lan để bán nhanh.
Ngược lại, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã tận dụng tốt nhiều cơ hội để neo hàng, đàm phán được giá bán tốt nên luôn dẫn đầu thế giới về giá xuất khẩu, giá trị thu về cao hơn.
“Hiện gạo thơm loại ngon của Việt Nam xuất khẩu với giá chưa đến 1.000 USD/tấn, trong khi cùng chủng loại gạo đó, Thái Lan đã có thể bán giá từ 1.200-1.300 USD/tấn từ rất lâu. Việt Nam có gạo ST24, ST25 đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới nhưng vẫn chưa thể nâng giá xuất khẩu do doanh nghiệp chưa biết cách quảng bá thương hiệu, nâng giá trị gia tăng cho hạt gạo,” ông Bình nêu vấn đề.
Sản xuất thiếu đồng bộ
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đã ý thức đến việc cải thiện chất lượng gạo để nâng giá trị nhưng việc nâng cao chất lượng gạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và một mình doanh nghiệp khó có thể gánh nổi.
Theo đó, để có chất lượng gạo đồng đều phải có sự đồng bộ từ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác của nông dân đến điều kiện đồng ruộng, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Để làm được như vậy, đòi hỏi phải sản xuất lớn nhưng trên thực tế việc mở rộng mô hình cánh đồng lớn những năm qua còn nhiều rào cản.
Chính sách đất đai không cho phép doanh nghiệp tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong khi nông dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo tập quán. Doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thu mua gạo từ nhiều nguồn với nhiều chủng loại và chất lượng gạo khác nhau.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân cũng rất lỏng lẻo. Nông dân yêu cầu phải có lợi ích cụ thể mới tham gia cánh đồng lớn trong khi doanh nghiệp chỉ có thể thu mua theo giá thị trường chứ khó cam kết bao tiêu theo giá nông dân mong muốn.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Là một trong số ít doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân nhưng diện tích bao tiêu của Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An trong những vụ gần đây cũng có xu hướng giảm dần, vụ Hè Thu 2019 đã giảm khoảng 100ha so với 4.000ha của vụ Đông Xuân 2018-2019.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phân tích, trước đây, nông dân tự làm thì họ sẽ tự lo vốn, ai có bao nhiêu lúa thì tự phơi, tự sấy, tự trữ nếu chưa xuất bán.
Khi tham gia liên kết cánh đồng lớn doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ từ cung ứng giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, nhân sự hướng dẫn, giám sát kỹ thuật canh tác đến cơ giới hóa, mạng lưới thu mua, nhà máy xay sát, kho bảo quản với chi phí đầu tư rất lớn.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đối với cánh đồng lớn chưa tạo ra được hiệu quả thực tế.
Không chỉ riêng Trung An mà diện tích liên kết của các doanh nghiệp khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng ngày càng giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp bỏ hẳn không bao tiêu thu mua nữa bởi thiếu vốn xoay sở.
Ông Lâm Định Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, chia sẻ xây dựng thương hiệu cho hạt gạo phải bắt đầu từ việc tạo ra được sản phẩm đồng nhất về chủng loại, chất lượng đồng đều, tuy nhiên sản xuất lúa tập trung tại Việt Nam hiện rất ít.
Ngay cả tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước thì việc tổ chức mô hình cánh đồng lớn cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Mỗi hộ gia đình có trung bình 5 công ruộng (5.000m2) và sản xuất riêng lẻ nên việc áp dụng cơ giới hóa, đầu tư giống và kỹ thuật đều rất khó. Sản xuất không bài bản thì khó xây dựng được thương hiệu.
“Chúng tôi đã rất hào hứng và đầu tư thực hiện mô hình cánh đồng lớn ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ, với cam kết bao tiêu cho người nông dân. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì mô hình này ngày càng teo tóp dần. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, về chính sách, Luật Đất đai còn nhiều ràng buộc đối với hạn điền, trong khi đó một doanh nghiệp khó có thể liên kết riêng lẻ với hàng trăm, hàng ngàn hộ nông dân,” ông Lâm Định Quốc lý giải./.