Xây hệ thống tiêu chí mới phân bổ vốn phát triển

Từ 2011-2015, dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển theo dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính và các tiêu chí khác.
Tiếp tục phiên họp thứ 21, ngày 10/9, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc phân bổ đầu tư từ ngân sách nhà nước bốn năm qua được đặt trong cân đối tổng thể đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010.

Trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực xã hội khác. Chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực xã hội trong tổng chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước đã tăng từ 43,4% (năm 2007) lên 49,1% năm 2010.

Trong giai đoạn này, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được tập trung chủ yếu cho các địa phương, đầu tư do các địa phương quản lý tăng cao cả về mức và tỷ trọng (năm 2007 chiếm 60,8%, năm 2010 chiếm 69,8%).

Chính phủ cho rằng việc phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí và định mức đã được lượng hóa, bảo đảm sự công khai, minh bạch và công bằng trong phân bổ vốn giữa các ngành, địa phương nên nhận được sự đồng thuận cao.

Việc phân bổ vốn đầu tư trong bốn năm qua về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vừa phục vụ việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng về kinh tế, đồng thời tiếp tục chú trọng và tập trung đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, y tế, văn hóa…

Việc phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện theo đúng tiêu chí, định mức đã đề ra. Việc bố trí nguồn vốn bổ sung có mục tiêu đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, mức tăng vốn đầu tư trong cân đối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng không đồng đều. Vẫn có 19 tỉnh số vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí và định mức trong bốn năm qua hầu như không tăng, dẫn đến số vốn đầu tư trong cân đối của các tỉnh này thấp hơn nhiều so với các địa phương khác, đặc biệt là so với các địa phương có nguồn thu lớn.

Trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển theo năm nhóm dân số; trình độ phát triển; diện tích; đơn vị hành chính cấp huyện; các tiêu chí bổ sung. Chính phủ cũng đề xuất việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương.

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với các báo cáo của Chính phủ đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chí và định mức mới phải bảo đảm tương quan hợp lý giữa việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có số thu lớn, có điều tiết cao về ngân sách Trung ương với việc ưu tiên hỗ trợ các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống dân cư giữa các vùng miền.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh phân bổ vốn đầu tư phát triển phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước; tránh dàn trải…

Các ý kiến thống nhất với những yêu cầu, nguyên tắc trong xây dựng hệ thống tiêu chí định mức của Chính phủ, song cần lưu ý hệ thống định mức phải tính đến khả năng của nguồn thu ngân sách, sự phát triển của nền kinh tế; định mức phân bổ phải là đòn bẩy kích thích cải cách hành chính, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách.

Cần có tiêu chí ưu tiên các vùng kinh tế trọng điểm, miền núi, hải đảo, khó khăn, lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng. Các thành viên Ủy ban cũng lưu ý cân nhắc việc đầu tư trực tiếp cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; việc vố trí vốn cho các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ.

Về phân bổ vốn cho địa phương, cần rà soát để đảm bảo tính công bằng, hợp lý; kiến nghị số điểm đối với một số tiêu chí, ví dụ số hộ nghèo, số đồng bào dân tộc thiểu số… cần tăng lên ít nhất 2 điểm; tránh tình trạng nghiêng về các địa phương đã có điều kiện thuận lợi hơn.

Ủy ban cũng đề nghị cần xây dựng hệ thống tiêu chí phân bổ đối với nguồn Trái phiếu Chính phủ; rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là những chương trình đã hết thời hạn…/.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục