Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Xây nhà không chỉ từ gạch, đá mà từ cả tấm lòng

Để triển khai hiệu quả việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương cho rằng cần nỗ lực huy động nguồn lực, sự chung tay của cộng đồng.

Hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn (huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng đón Xuân 2023 trong căn nhà mới. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn (huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng đón Xuân 2023 trong căn nhà mới. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Chủ trương đưa triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn quốc là một trong những chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ đại diện các tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của các địa phương.

Các ý kiến đều cho rằng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc là việc cần thiết, không nên chậm trễ và cần huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt chương trình này, xây dựng những ngôi nhà không chỉ từ gạch, đá, xi măng mà còn từ cả tấm lòng.

Hoạt động thiết thực, nhân văn

Chia sẻ về cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định đây là hoạt động thiết thực và cũng là việc được nhiều thế hệ cán bộ Mặt trận tâm huyết, ấp ủ thực hiện với ý nghĩa "không để ai bị bỏ lại phía sau", mang lại mái ấm cho người nghèo.

Để thực hiện tốt cuộc vận động này, bà Liên đề nghị phải phát huy vai trò của các cấp Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. “Cuộc vận động này cũng cần được triển khai, hướng dẫn thống nhất cách làm thiết thực, từ đó phát huy nguồn lực của xã hội, khơi dậy sự vươn lên của chính người nghèo,” bà Hà Thị Liên chia sẻ.

Cùng quan điểm này, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là việc làm cần thiết, thể hiện “thương hiệu” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo bà Thủy, mỗi người dân đều cần ngôi nhà để an cư lạc nghiệp và mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai hiệu quả cuộc vận động này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra những thách thức hiện nay khi cho rằng hiện nay việc quản lý Quỹ "Vì người nghèo" và huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp là không dễ. Các đoàn thể đều có chương trình vận động nguồn lực làm nhà cho người nghèo.

Vì thế, bà Thủy cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì để phân vai, phân rõ trách nhiệm trong việc huy động và xác định rõ đối tượng, cùng với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội của địa phương rà soát tổng thể, phân trách nhiệm, triển khai bài bản, thực chất, sử dụng nguồn lực minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần thiết.

Bà Thủy cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để phù hợp với tình hình hiện nay và phù hợp với Thông tư 41 của Bộ Tài chính nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.

Chung tay hỗ trợ

Chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Đề án “Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025” và đề ra mục tiêu đây là công trình chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029.

mat tran 5.JPG
Tỉnh Bình Định quyết định hỗ trợ định mức 50 triệu đồng/hộ gia đình xây dựng mới nhà ở và hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ gia đình đối với việc sửa chữa nhà ở.(Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Mục tiêu đề án đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ xây dựng 1.243 căn nhà (có 400 hộ không có đất làm nhà sẽ được tỉnh hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng). Lộ trình thực hiện trong năm 2023 là 243 căn, năm 2024 triển khai 500 căn, năm 2025 triển khai 500 căn.

Nguồn kinh phí xây mỗi căn nhà tối thiểu 100 triệu đồng; trong đó nguồn vận động xã hội hóa và nguồn ngân sách tỉnh 70 triệu đồng, số còn lại huy động từ gia đình, bà con, dòng họ, cộng đồng. Theo ông Bình, đây là cơ sở để địa phương xây dựng được ngôi nhà đảm bảo diện tích, công năng sử dụng.

Cũng theo ông Bình, các cấp trong tỉnh đang từng bước nâng cao năng lực huy động thông qua nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cũng mong muốn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các tỉnh khó khăn như Ninh Thuận và các tỉnh khác như khu vực Tây Bắc có thêm nguồn lực xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn. Ông Bình cho biết hiện Ninh Thuận còn 21.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó có 1.600 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ.

Tại Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang Trần Công Thăng cho biết tỉnh đặt mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trong năm 2024. Đặc biệt, nguồn kinh phí thực hiện 100% từ xã hội hóa, không sử dụng đến tiền ngân sách.

Theo ông Thăng, điều này thể hiện quan điểm phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng lên không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội.

Theo đó, ông Công cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh bạn, chung tay cùng Bắc Giang thực hiện mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có công gặp khó khăn về nhà ở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục