Trên tuyến đường Quốc lộ hay khu dân cư, nhiều người đi đường dễ dàng bắt gặp các xe chạy đối diện bật đèn pha không đúng quy định và thực hiện một cách khá tùy tiện.
Thậm chí, có một số xe còn “độ” cả đèn led, đèn xenon với ánh sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản thiết kế nên các xe chạy chạy ngược chiều rất khó chịu vì bị lóa mắt, rất khó quan sát, mất phương hướng, dẫn đến nguy cơ tai nạn, va chạm giao thông càng cao.
Tai nạn “rình rập” từ đèn pha, “đèn độ”
Sự tiến bộ của công nghệ giúp đèn pha của chiếc xe (ôtô, xe máy) cũng ngày càng tốt hơn, sáng hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe không sử dụng đúng cách thì chiếc đèn pha lại vô tình tạo ra những sự khó chịu và đôi khi là gây ra những tai nạn đáng tiếc trong khi tham gia giao thông.
Đèn pha thường gồm hai chế độ chiếu sáng đó là đèn pha (chiếu xa) và đèn cốt (chiếu gần). Tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh trời chiều nhập nhoạng và các lái xe lên đèn pha khi tham gia lưu thông. Hành vi này thậm chí còn được thực hiện phổ biến trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư, làm cho người tham gia giao thông ngược chiều bị chói, rất dễ gây ra tai nạn. Đặc biệt đối với phương tiện không phải ôtô thì rất dễ bị lóa, dẫn đến tự mình bị tai nạn”.
[Gần 6.700 người chết vì tai nạn giao thông trong 10 tháng năm nay]
Truy tìm trên mạng internet, nhiều địa chỉ độ đèn uy tín tại Hà Nội giới thiệu dễ dàng thay đèn halogen nguyên bản bằng các loại bóng đèn xenon, bi xenon, đèn led giúp chiếc xe tăng khả năng chiếu sáng. Thậm chí, chủ xe có nhu cầu “độ đèn” gầm, đèn led bar ở đuôi xe hay thiết kế dàn đèn trên chiếc xế hộp thì với đội ngũ thợ kỹ thuật giỏi tay nghề cao việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay, tùy thuộc vào số tiền và phong cách “độ đèn” của cánh tài xế.
Nhiều lái xe lâu năm đều bày tỏ phản đối việc bật đèn pha trong khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tầm nhìn về hướng đường phía trước với lái xe ngược chiều.
“Đi trong phố nhưng dễ dàng gặp cảnh xe máy, ôtô tùy tiện sử dụng đèn pha không đúng cách. Chủ xe chạy ngược chiều cảm thấy bị chói mắt, ức chế và tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông sẽ cao hơn. Đây thực sự là một vấn nạn, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có thêm các biện pháp xử lý răn đe đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng,” anh Cường, tài xế chạy thuê cho một Công ty du lịch lữ hành chia sẻ.
Có lần, anh Cường chở một đoàn khách nước ngoài từ Hà Nội đi vào Thanh Hóa du lịch. Trên dọc tuyến Quốc lộ 1, nhiều tài xế chạy ngược chiều dùng đèn pha “rọi” thẳng vào xe khiến mắt anh nhăn và chói. Vốn có kinh nghiệm, khi gặp những trường hợp này, anh đều phải rà phanh, giảm tốc độ xe để giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước nhằm tránh các va chạm hay tai nạn giao thông.
Một kỹ sư làm việc tại một gara chuyên về bảo dưỡng ôtô nhìn nhận, việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ôtô gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì lượng sáng rất mạnh, gây chói mắt người đối diện. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp khi sử dụng một thời gian có hiện tượng nước vào gây hư hỏng, mất an toàn cho xe.
Xử lý nghiêm để răn đe
Tuy nhiên, nhiều lái xe cho rằng, khi đi đăng kiểm, các xe độ đèn dễ dàng tháo ra và lắp vào do đó, phương tiện hoàn toàn có thể “qua mặt” được nhân viên đăng kiểm vì xe không thay đổi so với thiết kế nguyên bản.
“Giải pháp căn cơ là lực lượng Cảnh sát giao thông phạt lái xe vi phạm trên đường, còn xe chỉ đi đăng kiểm có 1-2 lần/năm thì việc ‘lách’ quá đơn giản. Chỉ khi nào phạt thật nặng thì mới đủ sức răn đe chủ xe,” anh Cường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container tự ý "độ, chế", gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn không đúng quy định uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại.
“Nguy hiểm hơn, nhiều người điều khiển phương tiện còn sử dụng các loại đèn trên ngay cả khi lưu thông trên các tuyến đường trong khu đông dân cư gây bức xúc trong dư luận, xã hội nhưng hiếm khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở và xử lý theo quy định, đặc biệt là trong thời gian tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phương tiện không đảm bảo an toàn điều kiện kỹ thuật khi tham gia giao thông,” ông Thái nói.
[Việt Nam có khoảng 60% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy]
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện nghiêm, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện khi tham gia giao thông kiên quyết xử lý phương tiện sử dụng và tự ý "độ, chế", gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định.
Để ngăn chặn các nguy cơ xảy ra tai nạn và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do đèn chiếu sáng, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Cục vừa có yêu cầu tăng cường xử lý tình trạng phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định.
Theo đó, Cục Đăng kiểm yêu cầu các đơn vị, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thực hiện đúng quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác kiểm định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện mọi hoạt động của đơn vị; kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất.
“Phòng Chất lượng xe cơ giới, Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu của kiểu loại xe cơ giới khi các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có yêu cầu,” ông Trí cho hay./.
Theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư là hành vi bị cấm, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 và Điều 6, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với phương tiện ôtô; và từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện môtô, xe máy.