Xuất khẩu gạo: Được hôm nay tính kế ngày mai

Tại cuộc họp bàn giải pháp xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chiều 3/3, hai bộ thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 6 năm nay, do thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến có lợi cho xuất khẩu, cộng với việc chủ động được nguồn cung trong nước.

Tại cuộc họp bàn giải pháp xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chiều 3/3, hai bộ thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 6 năm nay, do thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến có lợi cho xuất khẩu, cộng với việc chủ động được nguồn cung trong nước.

Cả lượng lẫn giá đều tăng

Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng tăng đột biến đã được các doanh nghiệp ký kết.

Theo Bộ Công thương, 2 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu mà các hợp đồng ký mới từ đầu năm đến nay phải giao toàn bộ trong 2 quý đầu năm nay lên gần 3 triệu tấn, cộng với hơn 600.000 tấn gạo của các hợp đồng đã ký năm ngoái chưa giao. Như vậy, tính rến thời điểm này, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo gần 3,7 triệu tấn, so với kế hoạch xuất khẩu từ 4,5 - 5 triệu tấn gạo trong năm nay.

Không chỉ tăng về lượng, giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng qua cũng đạt mức khá. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 12/009, bình quân giá gạo đạt 396 USD/tấn, tháng 2 đã tăng lên trên 400 USD/tấn. Như vậy, từ ngày 1/1 đến 27/2, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 925.960 tấn, với trị giá gần 369,570 triệu USD.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, cuối năm ngoái, đầu năm nay, đã có nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Tuy nhiên, diễn biến thị trường thế giới đã có sự đảo chiều, nên tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo. Điều này phần nào giúp nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long trang trải được khó khăn do phải tăng đầu tư cho vụ sản xuất đông xuân vừa qua.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng qua là quá lớn. Cái lợi của việc này là thu về kim ngạch xuất khẩu khá cao, doanh nghiệp cũng như người trồng lúa tăng thu nhập.

Tuy nhiên, việc giá lúa gạo tăng nhanh đã tác động không tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng. Điều này được thể hiện khá rõ trong tháng 2 vừa qua với việc chỉ số này tăng khá cao, lên mức 1,17% so với tháng trước. Trên thị trường thế giới, giá nhiều loại nông sản như ngô, đậu tương bắt đầu tăng. Bởi vậy, sắp tới cần có lời giải cho bài toán này.

Điều hành mềm mại, linh hoạt

Tại cuộc họp trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo sắp tới cần sự mềm mại, linh hoạt, thì mới có lợi. “Việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới phải đặt yếu tố linh hoạt lên hàng đầu. Do 2 tháng đầu năm số hợp đồng đã ký khá nhiều, nên sắp tới cần giãn giao hàng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Trí Ngọc  cho biết các vùng miền hiện nay đều tự cân đối được lương thực, nhưng không ai dám chắc năng suất trong các vụ tới không có biến động, nên cần có phương án dự phòng cho tình huống nay.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng, sắp tới, việc điều hành xuất khẩu gạo phải hài hoà giữa tăng kim ngạch xuất khẩu ở mức phù hợp với không để giá lúa gạo trong nước tăng quá cao, ảnh hưởng không lành mạnh đến mặt bằng giá trong nước.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống nhất, từ nay đến tháng 6 sẽ xuất khẩu khoảng 3,4 triệu tấn gạo trong tổng số hợp đồng đã ký gần 3,7 triệu tấn. Do đó, trong tháng 3 này sẽ giao 800.000 tấn. Còn 300.000 tấn sẽ giãn giao để dự phòng cho vụ hè thu. Cách điều hành này sẽ vừa đảm bảo được việc tiêu thụ lúa có lợi cho nông dân, vừa tranh thủ được diễn biến thuận lợi của thị trường.

Theo đại diện Tổ điều hành Thị trường trong nước, ngoài tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong hai quý đầu năm nay, các bộ cần bàn thảo với Tổng cục Thống kê để tính toán kỹ mức độ tác động của giá lúa gạo tăng sẽ ảnh hưởng ra sao đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới, để tránh bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo.

Thực tế cho thấy, nếu giá lúa thu mua của nông dân tăng trên 5.000 đồng/kg so với 4.500 đồng/kg hiện nay, thì không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục