Tính đến hết tháng 10/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 107,97 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã thu về 75,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 70,3% tổng kim ngạch chung.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với đóng góp quan trọng của nhóm hàng này thì khả năng trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước có thể cán đích 131 tỷ USD, tăng 10% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.
21 mặt hàng vượt 1 tỷ USD
Tại cuộc giao ban sản xuất kinh doanh ngày 4/11, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Bộ Công Thương, cho biết nhóm hàng công nghiệp chế biến đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng 10 tháng qua.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm này đạt 75,9 tỷ USD; trong đó riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã mang lại 17,7 tỷ USD.
Tiếp theo là mặt hàng dệt may với 14,8 tỷ USD, tăng 18,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, tăng 41,5%; giày dép đạt 6,7 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15,4%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,6%. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản cũng đạt 5,4 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,2 tỷ USD; rau quả đạt 0,8 tỷ USD...
"Hiện đã có 21 mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD, đặc biệt, có 11 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD," ông Vỵ cho hay.
Tuy nhiên, thời gian này cũng ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị trường quốc tế.
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch cho biết, nhóm nông, lâm, thủy sản qua 10 tháng ước đạt 16,4 tỷ USD nhưng so với cùng kỳ năm 2012 lại giảm 6,3%, trong đó giá nhân điều giảm 6,2%; hạt tiêu giảm 2,1%; gạo giảm 3,3%; cao su giảm 16,9%...
Càphê vốn là một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ đạt số lượng 1,09 triệu tấn, tương đương giá trị 2,33 tỷ USD; giảm 24,6% về khối lượng và giảm 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về một mặt hàng chủ lực khác là thủy sản, theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cả năm có thể đạt 6 tỷ USD, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là thiếu nguyên liệu.
Giải thích rõ hơn, bà Lan cho biết, trong khi sản phẩm tôm Việt Nam đang tạo dựng uy tín tốt tại thị trường Mỹ thì nguồn nguyên liệu trong nước lại bị đẩy rất mạnh sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Điều này tạo mối nguy rất lớn về thương hiệu của ngành tôm trong tương lai khi mà tôm xuất từ Trung Quốc lại có xuất xứ Việt Nam.
"Nếu không có giải pháp mạnh thì đến 2015 nguy cơ đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản rất lớn, cần kiểm soát chặt hạn ngạch đối với cá tra và nguyên liệu thủy sản nói chung," bà Lan kiến nghị.
Nước rút trên chặng về đích
Làm rõ hơn bức tranh xuất nhập khẩu 10 tháng qua, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhìn nhận kim ngạch 10 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012 là kết quả rất tích cực.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước cũng có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng trong 10 tháng là 3%, trong khi cùng kì năm trước chỉ tăng 0,8%.
Về nhập khẩu, qua 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 10 tháng, nhập siêu 187 triệu USD, bằng 0,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Với những con số này, theo bà Diệu Hà, việc kiểm soát nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu đang ở mức độ tương đối tốt, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không đáng lo ngại.
Bà Hà cũng cho biết, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt trên 131 tỷ, tăng trên 14% so với kế hoạch để ra từ đầu năm và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 500 triệu USD.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên cũng như tạo bước đệm cho năm tới, ưu tiên cao nhất của Bộ Công Thương là bắt tay ngay vào giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng Mười đã cùng với các bộ, ngành khác trực tiếp giao ban tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngay sau đó Bộ Tài Chính đã có văn bản hoàn thuế VAT là một động lực rất lớn về mặt chính hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị giới thiệu về Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp các hiệp hội và doanh nghiệp có thể đón nhận các cơ hội cũng như hiểu được các khó khăn có thể ảnh hưởng đến ngành và lĩnh vực của mình.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo sát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và là đầu mối triển khai chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2020-2030," bà Phan Thị Diệu Hà cho hay./.