Chiều 8/9, Hội nghị xúc tiến “Điểm đến du lịch Bắc Kạn” đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Bắc Kạn tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch và nông sản OCOP của Bắc Kạn tại Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 (ITE HCMC- 2022).
Theo ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đây là chuỗi sự kiện du lịch quan trọng nằm trong các hoạt động chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2022 và hưởng ứng chương trình phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chuỗi sự kiện hướng đến mục tiêu kích cầu du lịch nội địa; đáp ứng chủ trương mở cửa du lịch, tạo điều kiện cho du khách tới các vùng, miền của cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Chiến khu Việt Bắc, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Nổi bật là hồ Ba Bể đã được thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ, Vườn Di sản ASEAN, Khu Ramsar và Di tích Quốc gia đặc biệt...
Bắc Kạn có rất nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản được công nhận và đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, với Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với các tỉnh thành trong khu vực Đông Bắc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn mong muốn và quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Tỉnh phấn đấu đưa Khu du lịch Ba Bể trở thành Khu Du lịch quốc gia; mỗi huyện, thành phố có ít nhất một khu, điểm du lịch được công nhận.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bắc Kạn ưu tiên xem xét, triển khai những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch phục vụ cho việc khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch dồi dào của tỉnh.
[Hợp tác khai thác, phát triển du lịch của các tỉnh có di sản Then]
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận cho một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Phú An Lộc Group...
Đặc biệt, trong hoạt động liên kết du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự quan tâm, phối hợp giúp đỡ của Công ty Saigontourist - một doanh nghiệp mạnh về phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Do đó, tỉnh kỳ vọng tiếp tục có thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đến với tỉnh để tìm hiểu, khảo sát và đầu tư phát triển du lịch.
Thông qua chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Bắc, Bắc Kạn xác định đây là cơ hội lớn, là dịp để tỉnh bứt phá phát triển du lịch.
Tỉnh cam kết đồng hành và tạo ra những cơ hội mới, thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành du lịch quan tâm đến du lịch địa phương.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, phát triển du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc đã được chú trọng.
Trong khuôn khổ hợp tác, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Kạn đều có những hoạt động xúc tiến du lịch nhằm liên kết phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù thông qua tổ chức đoàn doanh nghiệp du lịch và báo chí đến khảo sát các điểm đến du lịch tại Bắc Kạn và tham gia sự kiện xúc tiến du lịch lẫn nhau.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy hợp tác và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp kết nối cùng các địa phương trên cả nước, trong đó có Bắc Kạn.
Từ đó, các tinh, thành liên kết phát huy thế mạnh của từng địa phương để phát triển và tạo ra sức cạnh tranh chung cho du lịch Việt Nam./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu