Ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Ngoại thương Trung Quốc, Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Đông thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến Hội chợ Hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 134, năm 2023 (Canton Fair 2023) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Canton Fair là một kênh quan trọng đối với ngoại thương của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và nước ngoài, do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức một năm hai kỳ vào tháng Tư và tháng 10 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Đến tháng 10 năm nay là kỳ hội chợ lần thứ 134, dự kiến sẽ có 55 khu vực triển lãm với 74.000 gian hàng, diện tích trưng bày khoảng 1,55 triệu m2.
Ông Zhang Sihong, Phó Chủ tịch Trung tâm Ngoại thương Trung Quốc cho biết Canton Fair đã trở thành một trong những điểm đến đáng tin cậy cho doanh nghiệp các nước trên thế giới khám phá thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, hội chợ này không chỉ mang lại cơ hội cho nhà cung cấp và người mua trao đổi kinh doanh, mà còn là một nền tảng lý tưởng trong giới thiệu sản phẩm mới, khám phá thị trường mới và liên hệ với khách hàng mới.
Cụ thể, các đơn vị tham gia Canton Fair 2023 sẽ trưng bày phong phú danh mục ngành hàng, gồm xe máy, xe đạp; dụng cụ gia dụng; sản phẩm điện và linh kiện điện tử; thiết bị viễn thông; vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; thực phẩm đồ uống; dược liệu, dược phẩm...
Đây là hội chợ có quy mô toàn cầu và nổi tiếng khắp thế giới; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia với số lượng tăng qua từng năm.
[Việt Nam tham gia hội chợ cùng hàng nghìn doanh nghiệp toàn cầu]
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết trong suốt nhiều năm qua, VCCI đã tổ chức đoàn doanh nghiệp và kết nối cộng đồng doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua Hội chợ Hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.
Đây là hội chợ được tổ chức song song hình thức trực tiếp và trực tuyến, không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc - công xưởng sản xuất của thế giới, mà còn là thị trường tiêu thụ lớn với cơ hội mở rộng thương mại toàn cầu.
Thống kê, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam. Còn Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và lớn thứ tám trên thế giới.
Tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 75,5 tỷ USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc một số mặt hàng, gồm điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, dầu thô, than, thủy sản, nông sản, giày dép, đồ gỗ…
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo, hàng nông, lâm, thủy sản... và giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản...
Ngược lại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam với các mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại, sắt thép các loại.
Theo ông Wei Huaxiang, Tổng Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ vào sự hợp tác lâu dài của nhiều tổ chức xúc tiến giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhiều hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên nói riêng, hai nước nói riêng đã được thúc đẩy thông qua Canton Fair.
Mặt khác, quan hệ thương mại song phương của hai nước còn thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng trưởng qua từng năm.
Tổng Lãnh sự Wei Huaxiang cho biết thêm hiện thị trường Trung Quốc đang mở cửa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo phương thức chính ngạch, các đơn vị xúc tiến giữa Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp cận thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu theo phương thức này./.