Xung đột Hamas-Israel: Ai Cập lên lịch tổ chức hội nghị thượng đỉnh

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sis đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế để giải quyết cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, cũng như bàn về tương lai của vấn đề Palestine.
Xung đột Hamas-Israel: Ai Cập lên lịch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ảnh 1Chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah ở Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/10, kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập đưa tin quốc gia Bắc Phi này sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh về Gaza vào ngày 21/10, nhằm thảo luận về những diễn biến leo thang gần đây giữa Phong trào Hamas và Israel.

Theo nguồn tin này, sự kiện là một trong nỗ lực của Ai Cập nhằm giảm căng thẳng và bảo vệ dân thường ở Dải Gaza với sự phối hợp của các đối tác khu vực và quốc tế.

Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sis đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế để giải quyết cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, cũng như bàn về tương lai của vấn đề Palestine, sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ở Cairo vào ngày 15/10.

[WHO cảnh báo tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại Dải Gaza]

Ai Cập khẳng định nước này sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực để đạt được sự bình yên ở Gaza và kích hoạt tiến trình hòa bình thực sự.

Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập nêu rõ không có giải pháp nào cho sự nghiệp của người Palestine ngoại trừ giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh Cairo phản đối việc di dời người dân ở Dải Gaza hoặc “những nỗ lực giải quyết vấn đề Palestine bằng cái giá phải trả của các quốc gia láng giềng.”

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 16/10 đã xác nhận thông tin ông sẽ tới Israel và Ai Cập trong tuần này.

Trước đó, truyền thông Đức đưa tin người đứng đầu chính phủ Olaf Scholz sẽ tới Israel trong ngày 17/10 và đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia nước ngoài kể từ sau vụ tấn công gây ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Theo các báo cáo, số phận của các công dân Đức bị bắt cóc trong cuộc tấn công cách đây 10 ngày dự kiến sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận.

Ông Scholz cho biết ông muốn giải quyết các vấn đề thực tế, đặc biệt là liên quan đến tình hình an ninh trong các cuộc đàm phán cũng như giải pháp để có thể ngăn chặn xung đột leo thang sang các khu vực xa hơn.

Ông Scholz nói thêm rằng ông muốn thảo luận cả về cách tổ chức viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, ngày 16/10, người phát ngôn của Chính phủ Cộng hòa Cyprus, ông Konstantinos Letymbiotis cho biết 26 quốc gia đã đề nghị nước này hỗ trợ hồi hương công dân của họ từ cả Israel và Dải Gaza.

Phát biểu với báo giới, ông Letymbiotis nói: “Chúng tôi đang ứng phó với khả năng tốt nhất của mình. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và chúng tôi dự đoán những ngày tới sẽ rất quan trọng.”

Ông nói thêm rằng Tổng thống Cyprus sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu vào ngày 17/10, nhấn mạnh vào nhu cầu bảo vệ dân thường.

Cyprus đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp quốc gia và huy động các cơ quan chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho hàng nghìn người dự kiến đến nước này.

Bồ Đào Nha, Anh và Đan Mạch đã sơ tán khoảng 600 người trên các máy bay vận tải quân sự từ Tel Aviv đến Cyprus, trong đó 447 người đã rời khỏi Cyprus trên các chuyến bay thương mại.

Chính quyền Cyprus cũng đã hỗ trợ cho 2.500 người khác, chủ yếu là người Israel, đến trên các chuyến bay thương mại.

Số lượng người đến trên các chuyến bay thương mại đã giảm mạnh do TUS Airways và Cyprus Airways đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv kể từ cuối tuần trước, với lý do lo ngại về an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục