Xung đột Hamas-Israel: Qatar nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các bên

Nhiều tháng qua, Qatar cùng Mỹ và Ai Cập đã tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn liên quan cuộc xung đột Hamas-Israel. Đã có một lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào tháng 11/2023.

Xe tăng quân đội Israel được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza ở miền bắc Israel ngày 27/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Xe tăng quân đội Israel được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza ở miền bắc Israel ngày 27/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/6, Qatar thông báo nước này tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas để sớm đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và thả các con tin Israel.

Phát biểu trong họp báo với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares tại Madrid, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nhấn mạnh với việc liên tục thực hiện các nỗ lực trong những ngày qua, Qatar đã có một số cuộc họp với các thủ lĩnh của Hamas nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai bên và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn cũng như việc thả các con tin Israel.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tìm được "công thức" mà các bên cảm thấy phù hợp nhất với những gì đã được trình bày.

Ngay khi tìm được công thức như vậy, Qatar sẽ liên lạc với Israel để cố gắng thu hẹp khoảng cách và giúp các bên đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Các cuộc đàm phán trên dựa theo kế hoạch mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào ngày 31/5, trong đó kêu gọi Israel rút quân khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza và ngừng bắn trong 6 tuần.

Tiến trình thảo luận này có thể được gia hạn nếu các nhà đàm phán cần thêm thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài.

Nhiều tháng qua, Qatar cùng Mỹ và Ai Cập đã tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn liên quan cuộc xung đột Hamas-Israel. Đã có một lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào tháng 11/2023 dẫn đến việc thả hơn 100 con tin. Tuy nhiên, kể từ đó, các nỗ lực vẫn rơi vào bế tắc.

Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết phong trào này sẵn sàng chấp nhận bất kỳ tài liệu hoặc sáng kiến nào đảm bảo nền tảng cho lập trường của họ trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Theo đó, lực lượng Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza và ngừng bắn lâu dài để đổi lại việc Hamas thả tất cả các con tin mà Israel yêu cầu. Tuy nhiên Chính phủ Israel đã bác bỏ các yêu cầu này.

Cùng ngày, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Gaza cho biết tuyên bố của Israel về việc tạm dừng nhân đạo ở vùng lãnh thổ này thực chất không có bất kỳ tác động tích cực nào đến việc vận chuyển các nguồn cung viện trợ vô cùng cần thiết.

Tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo nếu không có nguồn cung cấp y tế đáng kể trong những ngày tới, tổ chức này có thể phải dừng hoặc cắt giảm mạnh một số hoạt động y tế của họ ở Gaza.

Ngày 16/6 vừa qua, quân đội Israel đã tuyên bố thực hiện lệnh tạm dừng nhân đạo hằng ngày ở phía Nam Gaza.

Tuy nhiên, vài ngày sau, một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết điều này vẫn chưa chuyển thành việc cung cấp nhiều viện trợ hơn cho những người thực sự cần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục