Xung đột Nga-Ukraine “châm ngòi” khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung dầu khí vốn đã căng thẳng do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.
Xung đột Nga-Ukraine “châm ngòi” khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ảnh 1Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Lubieszyn, miền Tây Bắc Ba Lan ngày 4/1/2022. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Đối với ngành năng lượng, năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung dầu khí vốn đã căng thẳng do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút lui khỏi Nga và “xóa sổ” các tài sản trị giá hàng chục tỷ USD.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang vật lộn để đảm bảo rằng họ có thể giữ cho hệ thống chiếu sáng công cộng và tư gia vẫn hoạt động và người dân của họ không bị chết cóng trong mùa Đông thiếu nguồn cung năng lượng năm nay.

Giá khí đốt đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu chạm mức xấp xỉ 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, thúc đẩy vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch và là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

[Các bộ trưởng EU thu hẹp được bất đồng về mức trần giá khí đốt]

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung-cầu năng lượng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đua nhau tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế Nga, sử dụng bất cứ cách gì để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Các chính phủ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng Mặt Trời và phong điện, nhưng cũng tăng cường mua than đá để bổ sung nguồn cung điện. Do đó, các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã bị trì hoãn.

Một số chính phủ đã phải chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà cung cấp điện lớn như Uniper của Đức. Nam Phi trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất trong lịch sử, còn Sri Lanka thiếu dự trữ ngoại hối, chỉ đơn giản là do cạn kiệt nhiên liệu.

Việc Nga triển khai cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng Hai năm nay khiến các nước châu Âu phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với quốc gia vốn từ lâu đã là nhà cung cấp khí đốt chính của “lục địa già.”

Kể từ đó, các quốc gia phương Tây đã thảo luận và bắt đầu áp dụng mức giá trần đối với dầu của Nga, trong khi châu Âu lại đang thảo luận về mức giá trần khí đốt và đầu tư nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Michael Stoppard, cố vấn đặc biệt và nhà phân tích khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự chấm dứt của mối quan hệ đối tác thành công 50 năm về khí đốt giữa Nga và châu Âu. Điều đó dẫn đến việc điều chỉnh lại tình hình cung-cầu và cần nhiều thời gian để thích nghi. Hậu quả của nó có thể kéo dài đến năm 2023 và lâu hơn thế nữa.”

Các nền kinh tế công nghiệp lớn cũng đang chuẩn bị cho những hạn chế về nguồn cung vào năm 2023, nếu không muốn nói là trong nhiều năm sau đó.

Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đều công khai hỗ trợ việc tăng cường nguồn cung năng lượng chiến lược cho các đồng minh, bất kể chi phí có thể cao hơn, đồng thời đẩy mạnh sử dụng các gói viện trợ và thuế để phát triển các nguồn tài nguyên hạt nhân, năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió và hydro.

Các động thái của họ không chỉ nhằm phản ứng với Nga mà còn để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, bằng cách phát triển các nguồn lực để bù đắp sự thống trị của quốc gia này trong lĩnh vực sản xuất tấm pin Mặt Trời và khai thác các nguyên liệu chính cho pin.

Francesco Starace, Giám đốc điều hành Enel - nhà sản xuất, phân phối điện và khí đốt đa quốc gia của Italy - cho biết: “Năm 2023 sẽ được coi là một năm quan trọng, hoặc thực sự là sự khởi đầu của một hệ thống hoàn toàn mới. Đó là một năm phá bỏ thói quen và thay đổi rõ rệt."

Giữa bối cảnh năm 2022 sắp kết thúc, chi phí cho khí đốt và nhiên liệu sưởi ấm đã dịu xuống khi hoạt động kinh tế suy giảm, người dân tại các nước châu Âu vẫn đang gặp khó khăn và có thể tiếp tục như vậy trong một thời gian vì nguồn cung khan hiếm sẽ gây ra nhiều cú sốc về giá cả hơn.

Trong cuộc họp báo chung mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ủy ban châu ÂU (EC) cho rằng dù châu Âu có đủ năng lượng năm nay, năm sau lại là câu chuyện khác.

IEA dự báo EU có thể phải đối mặt với khả năng thiếu hụt khí đốt lên tới 30 tỷ m3 vào năm 2023, bởi nguồn cung từ đường dẫn khí đốt của Nga đã dừng lại và thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG vận chuyển bằng đường tàu sẽ bị giảm đi khi nhu cầu của Trung Quốc hồi phục trở lại.

Thêm vào đó, không ai có thể đảm bảo rằng nhiệt độ năm tới sẽ ôn hòa như năm nay.

Đánh giá của IEA đặt giả thiết các đường ống khí đốt mà Nga đang cấp cho EU sẽ dừng hoàn toàn đầu năm 2023, nhập khẩu LNG của Trung Quốc quay về mức năm 2021 và các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn 30% cuối mùa Đông này.

Dù vậy, IEA cho rằng phần thiếu hụt vẫn có thể giảm bớt nếu châu Âu tích cực cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, tăng phổ cập năng lượng tái tạo, dùng máy sấy bơm nhiệt và khuyến khích thay đổi hành vi tiêu dùng.

Các chính sách cơ quan này đề xuất có thể khiến châu Âu tiêu tốn 100 tỷ euro (106 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục