"Y tế công lập vẫn là chủ đạo chăm sóc nhân dân"

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, ngành y tế vận hành theo cơ chế thị trường nhưng cần nhấn mạnh, y tế công lập vẫn phải là chủ đạo.
Nhân dịp Bộ Y tế chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, Tầm nhìn đến năm 2030”, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế về nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng của ngành.

- Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm phát triển và những lĩnh vực trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới?


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cần nhấn mạnh, đối với lĩnh vực y tế, Nhà nước, y tế công lập vẫn phải là chủ đạo.

Nhà nước vẫn phải chăm lo sức khỏe cho toàn dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển và người dân sinh sống ở các vùng biển và hải đảo nước ta. Nhưng quan trọng hơn, người dân cũng phải nâng cao ý thức phòng bệnh và kỹ năng chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bởi lẽ, không ai có thể lo cho sức khỏe của mình bằng chính bản thân mình. Tiếp đến, chúng ta cần nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân tiến tới lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Đó là nguồn tài chính y tế vững bền, bảo đảm được y tế công bằng, lâu dài, hiệu quả và phát triển.

- Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ. Vậy, những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe an toàn, chất lượng và hiệu quả là quyền chính đáng của người dân. Chất lượng cuộc sống ngày càng tăng - dân số gia tăng tất yếu nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cũng tăng lên. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của ngành y tế phát triển chưa theo kịp, số giường bệnh vẫn chưa tăng lên nhiều.

Ba mươi năm trở lại đây, dân số tăng nhanh nhưng số bệnh viện công lập mở ra không được bao nhiêu. Thời gian qua, nhờ có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chúng ta đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các bệnh viện huyện để giảm tải cho tuyến trên.

Tuy nhiên, việc xây mới vẫn còn rất ít. Ngân sách nhà nước dành cho bệnh viện công lập cũng hạn chế, các bệnh viện phải vay vốn để đầu tư nên rất khó khăn. Chúng ta có đề án giảm tải các bệnh viện lớn, nhưng Nhà nước phải đầu tư ngân sách để tăng thêm giường bệnh. Ngoài ra, các tỉnh cũng phải dành quỹ đất để mở bệnh viện công lập.

Trong những năm qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tăng đầu tư cho ngành y tế nhưng vẫn chưa quy định tỷ lệ % ngân sách chung theo GDP cho y tế. Tiếp đến, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính cho ngành y tế vẫn chưa được thông qua, với hàng loạt các vấn đề như tự chủ tài chính cho hoạt động khám chữa bệnh còn khó khăn, giá dịch vụ y tế đã quá lạc hậu, thu không đủ bù chi. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực y tế cơ sở và đối phó với thiên tai, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp…

- Thưa Bộ trưởng, những vấn đề nào sẽ được ưu tiên giải quyết để đưa ngành y tế tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân?


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có 7 vấn đề ngành y tế và người dân thấy cần phải thực hiện ngay, đó là:

Vấn đề giảm tải các bệnh viện sẽ tập trung ở các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố, chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch, những nơi tỷ lệ quá tải cao. Việc giảm tải được thực hiện với hệ thống các giải pháp đồng bộ như tăng số giường, quy định chuyển tuyến, vượt tuyến, phân tuyến kỹ thuật, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; nâng cao năng lực y tế cho đội ngũ chuyên môn các tuyến.

Việc đổi mới cơ chế tài chính y tế công lập sẽ theo nguyên tắc giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ. Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định đổi mới cơ chế tài chính, trước mắt, đề nghị điều chỉnh giá 350 dịch vụ cơ bản và thực hiện có lộ trình.

Đồng thời, cùng với việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2014, phải củng cố tổ chức bộ máy bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Về nhiệm vụ tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, các cơ sở y tế tuyến huyện, xã sẽ được tăng cường cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, y học cổ truyền, dân số-kế hoạch hóa gia đình nhằm đưa y tế cơ sở đến gần dân hơn, giảm quá tải và tạo sự công bằng hơn trong thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh…

Giai đoạn 2011-2016, ngành y tế sẽ từng bước đảm bảo nhu cầu cơ bản về nhân lực các tuyến (trạm y tế xã có bác sĩ làm việc), song song là các chính sách bảo vệ quyền lợi, rủi ro nghề nghiệp cho cán bộ y tế.

Trong giai đoạn này sẽ thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu (ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng cho bệnh nhân có thu nhập cao và đa dạng hóa nh cầu khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân).

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là phải nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phải đi trước để người dân thay đổi nhận thức và ý thức được việc tự bảo vệ sức khỏe của mình.

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Các cơ quan báo chí truyền thông phải giữ vai trò quan trọng trong việc phản hồi và chuyển tải những thông tin chính sách của Đảng, nhà nước, Bộ Y tế đến với nhân dân, giúp người dân hiểu và phối hợp cùng triển khai.

Báo chí cũng góp phần hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe bản thân; chỉ dẫn người dân khi có bệnh biết tìm đến các cơ sở y tế chuyên ngành, chuyên khoa; biểu dương những người thầy thuốc tiêu biểu về y đức; giới thiệu những kỹ thuật cao áp dụng thành công trong điều trị và lên tiếng bảo vệ những cán bộ y tế trước sự tấn công của một số tổ chức, cá nhân khá hiệu quả trong thời gian gần đây.

Trong tình hình diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh mới nổi, môi trường bị ô nhiễm, vấn đề xê dịch toàn cầu, giao lưu kinh tế xã hội phát triển với hàng loạt các bệnh không nhiễm trùng gia tăng như tim mạch, ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh xuất hiện do thói quen sinh hoạt, ăn uống, ý thức vệ sinh kém…đang thực sự là thách thức lớn đối với sức khoẻ cộng đồng.

Muốn giảm thiểu bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân và giảm tải các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm kinh tế xã hội chi cho bệnh tật, tai nạn giao thông, chúng ta cần phải ưu tiên cho công tác tuyên truyền đi trước một bước sau đó đến y học dự phòng, điều trị...

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Nhật Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục