Sau nhiều lần sửa chữa, mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) vẫn tiếp tục nứt. Trước tình hình đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân phải tiến hành sửa chữa xong mặt cầu Thăng Long để bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trước ngày 19/5. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng đường bộ chỉ đạo, đôn đốc việc sửa chữa những tồn tại hư hỏng và các thủ tục để tiến hành bàn giao công trình đúng thời hạn. Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng phòng dự án 9, Ban quản lý dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mặc dù công tác sửa chữa, khắc phục các hư hỏng được nhà thầu tiến hành thường xuyên, nhưng do thời gian qua, nắng nóng khiến tốc độ hư hỏng mặt cầu tăng nhanh. Bên cạnh đó, nhà thầu phải làm tốt công tác chuẩn bị để sửa chữa công tác bàn giao hết bảo hành nên chưa kịp thời xử lý các điểm hư hỏng mới phát sinh. "Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì quá trình sửa chữa các điểm hư hỏng sẽ được rút ngắn từ 1-2 ngày so với kế hoạch," đại diện Ban quản lý dự án 2 cho biết. Theo thống kê sơ bộ, hiện diện tích hư hỏng cần phải sửa chữa vào khoảng 1.800m2 với tổng kinh phí khắc phục khoảng từ 650 - 750 triệu đồng (trong đó riêng tiền bê tông nhựa khoảng 410 triệu đồng). Toàn bộ nguồn kinh phí sửa chữa này sẽ do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân chi trả. Nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện giao thông, quá trình sửa chữa các điểm hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long sẽ được chia thành 2 đợt: 15/5 - 16/5 và 18/5 -24/5 với thời gian thi công từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa mặt cầu, từ đêm qua (15/5), các đơn vị thi công đã bắt đầu đợt sửa chữa với quy mô lớn. Dự kiến đợt sửa chữa này sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày trước khi hết hạn bảo hành để bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vào ngày 19/5. Để có thể khắc phục hoàn toàn các hư hỏng của mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ cho biết đã làm việc với Công ty Ingenuirgruppe BEB GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức), một công ty có kinh nghiệm trong thi công bê tông nhựa trên mặt cầu bản thép để xây dựng phương án xử lý nhằm khắc phục triệt để và lâu dài những tồn tại của dự án, và dự kiến, trong tháng 5/2012 đối tác Đức sẽ trả lời chính thức về vấn đề này. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm kiếm các đối tác khác để xây dựng đề án tổng thể, chuyển giao công nghệ đồng bộ, khắc phục hư hỏng lớp phủ mặt cầu Thăng Long. Về công tác kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với các tổ chức, cá nhân không trực thuộc, Tổng cục sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có các hình thức kỷ luật tương ứng với các lỗi vi phạm./.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long tiêu tốn gần 100 tỷ đồng ngay từ lần đầu tư đầu tiên hồi cuối năm 2009. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào sử dụng, mặt cầu biến dạng, nứt nghiêm trọng, xuất hiện những vũng, ổ gà lớn. Sau nhiều lần được duy tu, hiện cả hai chiều của mặt cầu đều xuất hiện những vết lún nứt. Hư hỏng nghiêm trọng nhất xuất hiện ở làn đường theo hướng Nội Bài - Phạm Văn Đồng. Mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa dự án này vào danh sách một trong 5 dự án trọng điểm trên toàn quốc phải thanh kiểm tra chất lượng. |
Việt Hùng (Vietnam+)