Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường ôtô ở châu Phi

Nhu cầu về phụ tùng ôtô chất lượng, dịch vụ bảo dưỡng tăng, thương mại điện tử, điện khí hóa và số hóa, có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi cho sự phát triển của thị trường ôtô ở châu Phi.
Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường ôtô ở châu Phi ảnh 1Công nhân lắp ráp ôtô trong nhà máy sản xuất ôtô của Nissan tại Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang cnbcafrica.com mới đây đăng bài viết của Yves Nono, Chủ tịch khu vực phụ trách vấn đề hậu mãi ôtô của Bosch châu Phi, phân tích về thị trường hậu mãi của ngành ôtô châu Phi.

Theo bài viết, châu Phi là một trong những khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới. Đầu năm 2021, Liên hợp quốc ước tính châu Phi có 1,38 tỷ dân. Con số này được cho là sẽ tăng lên 2,5 tỷ người vào năm 2050. Đây cũng là lục địa trẻ nhất thế giới, với gần 60% dân số dưới 25 tuổi.

Châu Phi ngày càng có nhiều người tham gia lực lượng lao động, điều này thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu mới nổi. Dân số trẻ, cùng với thu nhập tăng và sức mua tăng, mang lại cơ hội to lớn cho ngành công nghiệp ôtô.

Người tiêu dùng có điều kiện tài chính hơn sẽ tìm kiếm các hình thức vận chuyển an toàn, tiện lợi, đáng tin cậy và thân thiện với môi trường, đồng thời sẵn sàng thanh toán các dịch vụ sau khi mua hàng.

Tiềm năng của thị trường ôtô châu Phi

Trong những năm qua, ngoài tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế trên khắp châu Phi đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu đầu tư đến không đủ năng lực sản xuất, thiếu kỹ năng, nhu cầu cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp năng lượng không ổn định.

Liên minh châu Phi (AU) lưu ý rằng chỉ có 16% hàng hóa sản xuất ở châu Phi được giao dịch trên lục địa này. Với sự ra đời của Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), bộ mặt châu Phi đang thay đổi, tạo cơ hội cho việc di chuyển tự do của hàng hóa và con người. AfCFTA có khả năng định hình lại thị trường và nền kinh tế, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở hơn 50 quốc gia châu Phi. Thỏa thuận này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc mở ra tiềm năng hậu mãi ôtô của lục địa.

Ngành hậu mãi ôtô là thị trường thay thế các bộ phận, phụ kiện, linh kiện và công cụ của xe có động cơ, sau khi một chiếc xe đã được bán cho người tiêu dùng, bao gồm các dịch vụ sửa chữa và bảo trì mà các đại lý bán cho người tiêu dùng.

[Xe điện sẽ chiếm 50% thị trường ôtô Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030]

Ngày nay, có khoảng 60 triệu xe đang hoạt động trên lục địa, với quy mô hậu mãi ô tô ước tính hơn 30 tỷ euro. Do đó, châu Phi có nhu cầu tương đương so với các thị trường đã trưởng thành như châu Âu.

Đây là những nhu cầu liên quan đến các bộ phận thay thế giá cả phải chăng và đáng tin cậy để hỗ trợ việc sửa chữa và bảo dưỡng xe; năng lực kỹ thuật và kỹ năng chuyên môn để hiểu được sự phức tạp ngày càng tăng trong kiến trúc phương tiện; các xưởng bảo dưỡng được chứng nhận để phục vụ tất cả các dòng xe và các loại xe với tiêu chuẩn tối thiểu; các công cụ chẩn đoán xe có thể sử dụng để chẩn đoán tình trạng xe và các hướng dẫn sửa chữa được khuyến nghị; mạng lưới phân phối phát triển tốt để đảm bảo sự sẵn có của một số bộ phận, không chỉ ở các khu vực thành thị; dữ liệu xe chính xác để giúp đánh giá nhu cầu thực tế và cải thiện dự báo.

Tất cả những nhu cầu này phải được hỗ trợ bởi các khuôn khổ chính sách và quy định trong nước để thúc đẩy và giải phóng tiềm năng của thị trường ô tô địa phương.

Vượt qua những trở ngại và thách thức

Ngành công nghiệp hậu mãi ôtô là một ngành đóng góp quan trọng cho các quốc gia ở châu Phi, giúp xây dựng nền kinh tế, cải thiện an toàn giao thông đường bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân châu lục.

Trong khi đang trải qua một bước chuyển mình thiết yếu, lĩnh vực công nghiệp này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự xuất hiện của phụ tùng giả hoặc phụ tùng cũ từ bãi phế liệu được sử dụng như một giải pháp thay thế rẻ hơn để mua phụ tùng chính hãng đáng tin cậy; việc cung cấp sản xuất phụ tùng thay thế được nội địa hóa thấp; khan hiếm kỹ năng của thợ máy cũng như nhận thức của người dùng (chẳng hạn như tổng chi phí sở hữu); mạng lưới phân phối manh mún và chưa phát triển khiến dịch vụ hậu cần vận chuyển với giá cả phải chăng gặp nhiều thách thức; thiếu minh bạch liên quan đến xe cũ và xe mới nhập khẩu (như thiếu dữ liệu xuất xứ); hạn chế về các xưởng sửa chữa hoặc bảo dưỡng đủ tiêu chuẩn; các rào cản thương mại không ổn định ảnh hưởng đến nhập khẩu.

Bất chấp tất cả những thách thức này, một số cơ hội vẫn tồn tại cho ngành công nghiệp này, khi nhu cầu về phụ tùng ôtô chất lượng, giá cả phải chăng và dịch vụ bảo dưỡng tăng đều đặn nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu mới nổi.

Nhu cầu ngày càng tăng này trong một số trường hợp sẽ thúc đẩy nhu cầu sản xuất các bộ phận xe trong nước để duy trì tính cạnh tranh. Ngoài ra, các xu hướng lớn đang diễn ra, chẳng hạn như thương mại điện tử, kết nối, điện khí hóa và số hóa, có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi cho sự phát triển của thị trường ôtô ở châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục