Bạc Liêu: Đầu tư 633 tỷ đồng để mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A

Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu với tổng mức đầu tư 633 tỷ đồng.

Ngày 31/1, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua thành phố Bạc Liêu theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Tổng mức đầu tư của dự án 633 tỷ đồng, thời gian xây dựng là 18 tháng.

Dự án có điểm đầu tại Km 2169+056,65 trên Quốc lộ 1A, đoạn từ cầu Nàng Rền, (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) đến điểm cuối tại Km2178+126,79, đoạn Ngã Năm cửa ngõ thành phố Bạc Liêu, với tổng chiều dài 9km và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận thành phố với tổng chiều dài 4km.

Dự án do Công ty cổ phần Phương Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Pacific thực hiện theo hình thức BOT.

Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 8/2016. Thời gian thu phí dự kiến 13 năm 9 tháng. Sau khi hoàn thành dự án sẽ đồng bộ với dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, đây là tuyến đường có vị trí quan trọng, là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Bạc Liêu nối với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đây cũng là tuyến giao thông cửa ngõ phía Bắc của thành phố Bạc Liêu có mật độ giao thông cao, mặt đường hẹp, một số vị trí bị ngập nước vào mùa mưa nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, dự án hoàn thành sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng trên, tạo sự thông thương vì kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng từ Bạc Liêu đến Cà Mau và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ông Lê Thanh Dũng cũng đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Về phía nhà đầu tư, đơn vị thi công cần triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục