Bài 2: BOT đang bị “méo mó” bản chất, ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro

Khi nhà đầu tư trong nước chưa đủ năng lực tài chính, các tổ chức tín dụng không nên chạy theo phong trào để đạt mức tăng trưởng tín dụng, mà cần “chọn mặt gửi vàng.”
Bài 2: BOT đang bị “méo mó” bản chất, ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro ảnh 1Các dự án BOT đang bị “méo mó” về bản chất. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Trước mắt, vốn tín dụng vẫn là nguồn lực quan trọng để thực hiện các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư trong nước chưa đủ năng lực tài chính, các tổ chức tín dụng không nên chạy theo phong trào để đạt mức tăng trưởng tín dụng, mà cần “chọn mặt gửi vàng”, chọn dự án kỹ càng trước khi rót vốn...

Đó là chia sẻ khá thẳng thắn của các chuyên gia kinh tế đối với lĩnh vực này.

BOT giao thông gia tăng ở nhiều ngân hàng

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, chưa bao giờ dòng vốn tín dụng lại đổ vào các dự án BOT, BT nhiều như hiện nay. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã huy động 444.000 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng tại 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Hiện ngoại trừ một số rất ít công trình tiếp cận được vốn vay nước ngoài, các dự án BOT giao thông chủ yếu vay vốn thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước.

Ngoài 3 ngân hàng thương mại đang “đóng vai kép chính” là Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội thì còn có một số tổ chức tín dụng khác cũng được tín nhiệm tham gia vào các dự án này.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, với những dự án BOT mà ngân hàng tham gia cho vay thì đến thời điểm này đều thực hiện rất tốt, ngân hàng đã lựa chọn rất kỹ những dự án nào có tính huyết mạch và có tính cấp thiết về hạ tầng giao thông thì ngân hàng mới tham gia.

“Trong quá trình tham gia vào các dự án BOT, ngân hàng đã áp dụng các công nghệ vào để quản lý nguồn thu và các tiện ích thuận lợi cho người tham gia giao thông. Ví dụ ngân hàng đã áp dụng hệ thống thu phí không dừng 3 trong 1 giúp cho chủ đầu tư quản lý dòng tiền tốt hơn,” lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Vị lãnh đạo trên cũng cho rằng, đối với các dự án BOT là cho vay dài hạn nên không chỉ cần bảo đảm những khoản tín dụng thông thường mà còn phải cân đối vốn trung dài hạn để đáp ứng được thời gian khai thác của dự án.

Tuy nhiên, trong thời gian gian qua, nhiều dự án BOT đã bị đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém, phí chồng phí, bất cập trong quản lý các dự án BOT đang gây không ít bức xúc cho người dân và toàn xã hội.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa ra văn bản nhắc các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay trong các dự án BOT, BT giao thông. Trước đó, cơ quan này đã từng bày tỏ quan điểm lo ngại tín dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn tại các dự án hạ tầng giao thông và có xu hướng gia tăng tại nhiều ngân hàng.

“Việc cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chưa đánh giá đủ những rủi ro có liên quan," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Bài 2: BOT đang bị “méo mó” bản chất, ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro ảnh 2Với nhiều dự án đầu tư BOT giao thông, Nhà nước mới là người chịu rủi ro cuối cùng. (Ảnh: TTXVN)

Những bất cập, rủi ro liên quan có thể kể đến như việc các dự án BOT được các chủ đầu tư tự lập dự án, quy trình kiểm duyệt sơ sài khiến chi phí thường bị đẩy lên cao. Đa phần nguồn trả nợ chỉ trông chờ vào việc thu phí khiến hệ số đảm bảo trả nợ thường rất thấp. Chưa kể việc nếu chất lượng công trình có vấn đề dẫn đến chủ đầu tư không thu phí khiến những nhà băng phải đối mặt với rủi ro tín dụng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc các tổ chức tín dụng cho vay các dự án BOT lớn sẽ gây ra tiềm ẩn rủi ro, đó là nếu căn cứ theo huy động vốn và thực trạng của nợ công Việt Nam các tổ chức tín dụng đang lấy nợ ngắn hạn để cho vay dài hạn. Như vậy sẽ tạo ra sự bất ổn trong thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

"Biệt đãi quá nhiều"

Ông Kiên cho rằng, các dự án BOT đang bị “méo mó” về bản chất, nhà đầu tư đang được biệt đãi quá nhiều, đặc biệt là những trách nhiệm tài chính. Việc tỷ lệ vốn chủ sở hữu quá thấp chỉ từ 10-15%, cộng với việc lãi vay lại được tính vào tổng mức đầu tư, khiến các nhà đầu tư thay vì tăng vốn tự có lại có động cơ tăng nợ vay.

Chính vì tỷ lệ nợ vay quá cao (87,8% tổng mức đầu tư dự án) nên phần rủi ro đang dồn đa phần về phía ngân hàng. Các chủ đầu tư chỉ phải chịu trách nhiệm chưa đến 13% tổng mức đầu tư dự án, ngay cả trong số này, nhiều trường hợp, nhà nước mới là người chịu rủi ro cuối cùng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần kiến nghị, chủ đầu tư các dự án BOT cần phải huy động được các nguồn vốn dài hạn để nâng phần vốn tự có của mình lên, bảo đảm khả năng tự chủ về tài chính cũng như rút ngắn được thời gian đầu tư chứ cứ như hiện nay thì quá thấp. Yêu cầu về vốn và năng lực là rất cần thiết và có năng lực thực sự. Vốn tự có càng cao thì càng bớt rủi ro cho ngân hàng khi cho vay.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng kiến nghị cần phát triển đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn và chuyên biệt phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn của các tổ chức tín dụng. Trong đó, cần tập trung phát triển các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và từng bước phát triển thị trường trái phiếu bổ sung vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Để các dự án BOT đạt hiệu quả cao, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng phải thẩm định lại tổng mức đầu tư của dự án, bảo đảm tính phù hợp trong thực tế của các hạng mục, đánh giá kỹ khả năng phân lưu của dự án; thẩm định kỹ năng lực tài chính, năng lực thi công, quản lý dự án của nhà đầu tư; tăng cường công tác kiểm soát giải ngân đối với dự án. Do thời gian vay vốn dài nên các ngân hàng cần theo dõi sát sao tiến độ cũng như khả năng hoàn trả của chủ đầu tư để tránh nợ xấu từ xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, ông Thụ cũng kiến nghị, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cần phải vào cuộc. Sau khi hoàn tất thì cũng cần phải sớm công khai kết luận để nhân dân biết. Đối với những trường hợp vi phạm như kê vốn không đúng quy định của pháp luật thì phải kiên quyết xử lý, phải điều chỉnh lại thời gian thu phí và mức phí cho phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục