Bài 2: Giấc mơ Tết đến được trở về nằm trong vòng tay mẹ

Tết có lẽ là thời điểm mà ai cũng ước ao được trở về trong vòng tay mẹ, ngay cả với người phụ nữ đã hơn 50 tuổi ấy, không đi lại được, không nói được nhưng khi nghe nói đến mẹ mình thì mắt bà đỏ hoe.
Câu chuyện về giấc mơ dịp Tết của bà Hiền

Tết có lẽ là thời điểm mà ai cũng ước ao được trở về trong vòng tay mẹ, ngay cả với người phụ nữ đã hơn 50 tuổi ấy, không đi lại được, không nói được nhưng khi Tết đến, Xuân về, nghe nói đến mẹ mình thì mắt bà đỏ hoe, nước mắt rưng rưng chỉ trực trào ra. Vậy là Tết năm nay bà Nguyễn Thị Hiền (quê Nam Định) lại ăn Tết ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Giấc mơ đoàn viên

Hơn 20 năm ở trung tâm dưới sự chăm sóc của nhân viên ở đây, mọi thói quen, sở thích của bà Hiền đều được cán bộ của trung tâm thuộc lòng. Bà Hiền không thể nói, không thể đi lại nhưng bà Hiền giao tiếp với nhân viên trung tâm chăm sóc bà qua ánh mắt, nét mặt, cử động của tay chân.

Bài 2: Giấc mơ Tết đến được trở về nằm trong vòng tay mẹ ảnh 1Chị Hà giao tiếp với bà Hiền thông qua ánh mắt, nét mặt. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, cán bộ Trung tâm Phục hồi chức năng người tàn tật Thụy An kể: “Chúng tôi muốn hỏi bà ăn quả gì thì sẽ hỏi từng loại quả khi đến đúng loại quả bà ưa thích bà sẽ ra hiệu bằng ánh mắt và nét mặt. Thi thoảng khi bà bị bọn trẻ ở trung tâm trêu mà bà không hài lòng, bà cũng ‘mách’ lại cán bộ ở trung tâm chăm sóc bằng ánh mắt, khuôn mặt khó chịu.”

Bên trong cơ thể không thể nói và đi lại được ấy lại là một trí óc minh mẫn, một tâm hồn dạt dào tình cảm. Chị Hà kể: “Bà Hiền ở đây rất lâu rồi, bà bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và là con liệt sỹ nhưng gia đình nghèo không có điều kiện chăm sóc nên đưa bà vào trung tâm. Bà nhớ được hết quê ở đâu, biết là nhà có những ai, bà có những đứa cháu nào...”

Trong khi chị Hà kể về việc bà vẫn luôn nhớ về gia đình thì miệng bà cười, mắt bà lấp lánh niềm vui, nhưng khi nhắc đến mẹ bà Hiền thì mắt bà đỏ hoe, ầng ậng nước, chỉ trực tràn ra khỏi đôi mắt giờ đây đã mờ đi và chằng chịt những nếp nhăn vì năm tháng.

Chị Hà bảo cứ đến Tết là nét mặt bà Hiền buồn buồn khi lũ trẻ con được gia đình đón về ăn Tết, được sum họp gia đình. Vẫn biết rằng, mẹ già rồi không thể trông ngóng mẹ đón về, nhưng bà Hiền vẫn không thể thôi ngóng chờ, hy vọng, không thể không tủi thân. Được đoàn tụ với gia đình là giấc mơ kỳ diệu trong cuộc sống của bà. Thời gian ở nhà với gia đình, người thân tuy ngắn ngủi nhưng lại là những ký ức hạnh phúc nhất trong tâm trí bà Hiền, chẳng thế mà khi nghe người khác nhắc đến, mắt bà lấp lánh niềm vui.

Người ta bảo người già thì tâm tính giống như trẻ con có lẽ đúng, bà Hiền cũng mong ngóng được trở về với mẹ như một đứa trẻ, thậm chí năm tháng cuộc đời càng có lẽ càng khiến khát khao sum họp của bà lớn hơn. Tuổi già và sức khoẻ yếu khiến ước mơ được trở về cứ ngày càng lớn dần lên.

Bài 2: Giấc mơ Tết đến được trở về nằm trong vòng tay mẹ ảnh 2Bà Hiền háo hứng khi được đi xem văn nghệ tại trung tâm. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đường về xa dần xa

Năm tháng làm con người trở nên mạnh mẽ và vững vàng hơn trước những nỗi buồn, nhưng có lẽ khi nghĩ về cha mẹ thì chắc hẳn người con nào cũng thấy mình yếu đuối và xao lòng. Bà Hiền chỉ rưng rưng khi nhắc đến người mẹ già.

“Khoảng 5,6 năm thì mẹ bà Hiền có đến thăm con. Cách đây 4 năm thì cụ khoẻ một chút, cụ thuê xe và cùng người nhà đến trung tâm đón bà về ăn Tết, nhưng 3 năm gần đây bà Hiền ăn Tết với trung tâm vì mẹ bà Hiền già yếu, đã gần 90 tuổi nên không để đón con về được,” chị Hà kể.

Cứ mỗi lần chị Hà nhắc đến mẹ là bà Hiền lại không còn hào hứng, những nếp nhăn trên khuôn mặt chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt lưng tròng. Chắc bà cũng thương người mẹ già cả đời vất vả, thương mẹ nhớ mẹ mà không làm được gì hơn, nỗi nhớ và niềm thương cũng không thể cất lên thành lời.

Với sức khoẻ già yếu của mẹ bà Hiền, có lẽ đường về nhà, vươn tới giấc mơ đang ngày càng xa lắm. Chiến tranh đã kết thúc rất lâu rồi, nhưng sự chia ly bởi chiến tranh vẫn kéo dài dai dẳng với cả những người còn đang sống.

Sự nghèo khó lại càng khiến cuộc đời của những người vốn đã thiệt thòi càng thiếu thốn hơn. Cán bộ trung tâm kể, bà Hiền cũng có một người em gái nhưng đã đi lấy chồng và gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện đi thăm, đón chị gái về quê.

Hơn 50 tuổi bà Hiền vẫn khát vọng trở về trong vòng tay mẹ nhưng Tết này, có lẽ bà chỉ trở về gặp mẹ trong giấc mơ. Giấc mơ ấy là giống như cái lần bà được mẹ đón về, được hít hà hương khói bếp, được nhìn thấy cánh đồng quê xanh mướt, được người thân, họ hàng, làng xóm ra vào nắm tay, hỏi han. Người mẹ già vuốt nhẹ lên từng nếp nhăn trên mặt con, sờ nắn tay chân con và chiều chuộng cho con ăn những món ăn con thích như ngày còn ở nhà. Những điều tưởng chừng rất bình dị nhưng lại có sức mạnh thổi bay những tủi hờn, nhớ nhung trong suốt ròng rã chục năm trời.

Vậy là Tết đến rồi, ở trung tâm chỉ những người khuyết tật nặng, những người gia đình quá nghèo không thể đón con, cháu, người thân về ăn Tết mới ở lại trung tâm. Những mảnh đời khuyết họ lại sưởi ấm cho nhau để đón một năm mới mạnh khoẻ, an lành và chờ đón những điều kỳ diệu.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi người đều vẫn có trong mình một niềm tin yêu vào những điều tốt đẹp, và chính trong những hoàn cảnh khó khăn, tình cảm giữa người với người mới đẹp như những bông hoa sen nở giữa bùn lầy. Tình yêu của hai ông bà già nghèo ở bãi giữa sông Hồng cũng là một câu chuyện như thế./.

Bài 3: Vợ chồng nghèo bên sông Hồng “nhặt” yêu thương cho Tết

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục