Bánh mứt Tết truyền thống nỗ lực "chen chân" với hàng ngoại

Trong khi trên thị trường ngày càng tràn ngập sản phẩm ngoại nhập với chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh thì bánh, kẹo, mứt truyền thống vẫn chưa đầu tư đúng mức cho mẫu mã, chất lượng
Bánh mứt Tết truyền thống nỗ lực "chen chân" với hàng ngoại ảnh 1Sản xuất mứt Tết tại Công ty Cổ phần Bánh Mứt kẹo Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều loại bánh, mứt truyền thống ngày càng mất sức hút đối với người tiêu dùng.

Trong khi trên thị trường ngày càng tràn ngập những sản phẩm ngoại nhập với chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh thì bánh, kẹo, mứt truyền thống vẫn chưa đầu tư đúng mức cho cải tiến chất lượng, mẫu mã nên khó được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Sản phẩm đơn điệu, hương vị quá ngọt

Hiện tại các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Tây, An Đông, Bến Thành... khu vực chuyên kinh doanh bánh, kẹo, mứt Tết đã nhộn nhịp với những quầy hàng rực rỡ màu sắc của các sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm không được cải tiến về chất lượng cũng như mẫu mã, vẫn "đơn điệu" với những dòng sản phẩm truyền thống.

Ngoài ra, đặc điểm chung của các loại bánh, kẹo, mứt Tết thường được sản xuất, chế biến với hương vị khá ngọt, không còn phù hợp với sở thích của nhiều khách hàng vì đảm bảo sức khỏe.

Khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy, tại các chợ truyền thống hoặc ngay cả một số hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, đa số các sản phẩm bánh, kẹo, mứt đang bày bán được chứa, trữ trong các hũ, tủ kính, thau, xô; đồng thời bên ngoài có niêm yết giá và chỉ ghi chú ngắn gọn cơ sở sản xuất.

Mặt khác, tại một số đơn vị kinh doanh, các sản phẩm bánh, kẹo, mứt được chứa, trữ trong các loại bao nilon, bên ngoài chỉ ghi chú tên sản phẩm và niêm yết giá, không có một thông tin gì về cơ sở sản xuất cũng như nguồn gốc sản phẩm.

Bà Trà Giang, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, cho biết​ nhận thức được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được xã hội và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nên rất chú trọng khâu kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa cũng như đảm bảo chế độ bảo quản sản phẩm.

Vài năm gần đây, một số đơn vị sản xuất đã tích cực tung ra thị trường những mặt hàng được đóng gói riêng biệt từng sản phẩm, trọng lượng nhỏ... để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Nhưng các đơn vị sản xuất bánh, kẹo, mứt Tết chủ yếu là cơ sở làng nghề truyền thống, sản xuất mùa vụ nên gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Tương tự, theo các đơn vị sản xuất kinh doanh, nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời quan tâm hơn đến vấn đề nhãn mác, đóng gói bao bì và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng chỉ mới dừng lại ở việc đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứ chưa đủ tiềm lực đẩy mạnh khâu chất lượng như cải tiến mạnh về nguyên liệu, hương vị; còn về mẫu mã phải đầu tư tạo sự hấp dẫn, bắt mắt...


Hàng ngoại "tấn công" thị trường

Thông qua các điều kiện thuận lợi từ những Hiệp định thương mại tự do, hàng hóa các nước ngày càng thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, cụ thể trong mùa Tết Nguyên đán Bính Thân năm nay, hàng ngoại nhập đang ồ ạt "tấn công" thị trường.

Nhằm phục vụ mùa Tết năm nay, những mặt hàng bánh, kẹo, mứt nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sỹ... được tăng cường giới thiệu và kinh doanh nhộn nhịp tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, ở Thành phố Hồ Chí Minh như Metro, Lottemart, Citimart, Big C, Aeon...

Bên cạnh đó, các loại bánh, kẹo ngoại nhập được các nhà bán lẻ trưng bày ở vị trí tốt, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và trọng lượng nên thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại và Truyền thông nội bộ, Công ty Kinh Đô Bình Dương cho biết Tập đoàn Mondelēz International (Thái Lan) đã chọn Công ty Kinh Đô làm đối tác phân phối các thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

Do đó, trong mùa Tết năm nay, lần đầu tiên những sản phẩm như bánh quy kem Oreo, bánh phômai Ritz, bánh quy bơ LU, kẹo Choclairs… của Tập đoàn Mondelēz International (Thái Lan) sẽ được giới thiệu và tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.

Mặc dù đối mặt với sức ép cạnh tranh không nhỏ của các mặt hàng ngoại nhập, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo, mứt nội địa đã nỗ lực giới thiệu ra thị trường những mẫu mã độc đáo.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước như Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên, Xuân Hồng... tận dụng lợi thế về giá thấp hơn hàng ngoại nhập và thấu hiểu văn hóa, ẩm thực cũng như thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức tiêu thụ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo... trong dịp Tết năm nay có thể đạt hơn 18.000 tấn, nên đã chủ động tung ra thị trường những sản phẩm mới mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng cao, với giá cả không tăng đáng kể so với năm trước.

Cụ thể, Công ty cổ phần Bibica chuẩn bị nguồn hàng khoảng 1.600 tấn bánh, kẹo các loại, tăng 20% so với cùng kỳ.

Còn Công ty Kinh Đô tung ra thị trường 3 dòng sản phẩm độc đáo với bao bì thiết kế dành riêng cho mùa Tết và chất lượng được nâng cao gồm nhóm quà Tết đặc biệt, nhóm quà Tết truyền thống, sản phẩm giỏ quà Tết.

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo sức mua các mặt hàng bánh, kẹo, mứt... trong dịp lễ, Tết luôn tăng cao so với ngày thường.

Do đó các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã tăng sản lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 lên 10-20% so với năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục