Báo chí có vai trò xung kích chống luận điệu sai trái

Những năm qua, báo chí đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận đấu tranh dư luận, kịp thời phản bác những luận điệu xuyên tạc.
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo "Báo chí với nhiệm vụ đấu tranh chống các luận điệu sai trái".

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhận định, những năm qua, báo chí đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận đấu tranh dư luận, kịp thời phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, kích động của các thế lực thù địch.

Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động mở các mục, chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông tin phản ánh về vấn đề này đã phong phú hơn về số lượng tin, bài; nội dung đúng trọng tâm, đảm bảo thời gian tính của sự kiện.

Nhiều bài viết được diễn đạt phong phú, bày tỏ quan điểm mềm mỏng nhưng không kém phần đanh thép, quyết liệt, chặt chẽ về lập luận, vừa có tính lý luận nhưng lại không xa rời thực tế.

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã tuyên truyền có hiệu quả về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về Bác, về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Đảng viên hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, góp ý về những việc báo chí đã làm được cũng như những hạn chế còn tồn tại trong cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái. Bên cạnh những thành tựu kể trên, một số bài viết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn chung chung, có những bài viết tính thuyết phục chưa cao.

Bài viết đấu tranh chỉ tập trung nhiều ở một số báo, tạp chí Trung ương, các cơ quan báo chí khác tuy có bài nhưng chỉ là nhất thời. Có những thời điểm tuyên truyền với mức độ dồn dập, sau đó lại gần như lắng xuống.

Nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục những hạn chế đó, cần đổi mới hình thức và nội dung các hoạt động tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền sinh động những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam nhằm giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; phát huy hơn nữa lợi thế của báo chí điện tử, trang tin điện tử, các loại hình blog, diễn đàn trên mạng internet để phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Đặc biệt, cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí, các cơ quan và địa phương có liên quan với báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn trong việc định hướng, cung cấp tình hình, tài liệu cho các cơ quan báo chí, nhất là những vấn đề"nóng", đột xuất để các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời có tin, bài đấu tranh chống các luận điệu sai trái./.

Việt Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục