Báo động nạn tảo hôn

Báo động nạn tảo hôn ở các bản vùng cao Sơn La

Một thực trạng buồn là ở các bản làng vùng cao, xa xôi của tỉnh Sơn La, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống diễn ra khá phổ biến.
Ở các bản làng vùng cao, xa xôi của tỉnh Sơn La, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống diễn ra khá phổ biến.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, trong ba năm (2007-2009) có 6.258 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 23,3% trong tổng số cặp vợ chồng kết hôn; có 783 trường hợp kết hôn cận huyết thống, chiếm 2,7% so với tổng số cặp kết hôn tại địa bàn.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế và Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã tăng cường giúp tỉnh Sơn La thí điểm triển khai thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại địa bàn 26 xã và 11 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (3 năm từ 2009-2012). Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn còn ở mức cao. Riêng năm 2012, có 265 trường hợp tảo hôn, 12 trường hợp kết hôn cận huyết thống xảy ra trong địa bàn các xã đang thực hiện thí điểm mô hình này.

Thực trạng buồn


Lễ hội mùa Xuân năm nay ở cao nguyên Mộc Châu khá náo nhiệt. Không chỉ có nam thanh, nữ tú, mà cả người già, khách du lịch cùng trảy hội về trung tâm huyện lỵ Mộc Châu.

Hờ Thị Chu, 16 tuổi, ở xã Lóng Luông nghe tin có hội cũng hăm hở cùng chúng bạn xuống chợ. Trên lưng Chu cõng một đứa trẻ chừng vài tháng tuổi, ốm yếu, mê mệt ngủ. Ngờ ngợ, chúng tôi hỏi: "Cõng em đi chợ à?" Chu trả lời: "Con mình đấy." Chúng tôi hỏi tiếp: "Sao không thấy chồng cùng đi chơi?" Chu lắc đầu: “Chi pâu” (không biết). Người bạn của Chu bật cười, buông một câu nói đùa: "Chồng nó đi chơi với người khác rồi, năm trước thì có đấy."

Có lẽ Chu là một trong số thiếu nữ dân tộc ở vùng cao, chưa kịp học hết trung học phổ thông đã vội về nhà chồng bởi phong tục “bắt vợ” đang tồn tại nơi vùng cao Sơn La này.

Anh Tếnh A Chìa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu cho biết xã có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 5.651 khẩu (tính đến tháng 3/2013), nhưng đa số là đồng bào Mông, chiếm gần 87% dân số của xã.

Từ năm 2005 đến nay, tại xã có khoảng 390 cặp kết hôn thì có đến 204 cặp vợ chồng tảo hôn ở lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi (chiếm gần 52% cặp vợ chồng đã kết hôn). Còn có thêm 15 cặp vợ chồng trẻ kết hôn cận huyết thống (chiếm 15,2%). Đó là hậu quả do một số gia đình, dòng họ còn bị hủ tục trói buộc, chưa nhận thức rõ Luật Hôn nhân và gia đình. Nhiều trường hợp trẻ em sinh ra bị còi cọc, suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao, thậm chí còn bị dị dạng, mù màu...

Anh Trần Đình Thuận, Chi cục phó Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La cho biết thêm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống không chỉ có ở Lóng Luông, mà còn phổ biến ở các xã Vân Hồ (tỷ lệ tảo hôn là 68% so với tổng số cặp kết hôn), Lóng Sập, huyện Mộc Châu (chiếm 49%), Kim Bon, Tân Lang, huyện Phù Yên (từ 25,4 đến 39%), Tà Xùa, huyện Bắc Yên (35%), Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (27%).

Kết quả điều tra trong ba năm từ năm 2007 đến 2009 cho thấy dân tộc có nhiều trường hợp tảo hôn cao là dân tộc Mông chiếm 33%, dân tộc Thái chiếm 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8%.

Nỗ lực của Sơn La


Trước thực trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả “Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.”

Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ pháp lý, phổ biến Luật hôn nhân và gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương, đặc biệt là ở 26 xã có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao như: Tà Xùa, Phiêng Côn (huyện Bắc Yên), Kim Bon, Tân Lang (huyện Phù Yên), Lóng Luông, Vân Hồ, Lóng Sập (huyện Mộc Châu), Nậm Lạnh, Mường Và (huyện Sốp Cộp) và một số xã có nhiều dân tộc thiểu số của tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng ra quyết định phê duyệt Đề án duy trì và mở rộng mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giai đoạn 2011-2015, trong đó đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chính sách dân số, Luật hôn nhân và gia đình, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tăng cường lồng ghép các chương trình hoạt động của các ngành, đoàn thể tại địa phương.

Sơn La tiếp tục củng cố và tạo điều kiện cho tổ nhân viên thường trực, các điểm tư vấn, nhóm sinh hoạt nâng cao hoạt động để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia, nhân rộng các nhóm sinh hoạt câu lạc bộ dân số. Tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình cấp xã, cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế bản, cộng tác viên dân số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác này./.

Điêu Chính Tới (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục