Bộ Tài chính muốn xây dựng kho dữ liệu kết nối toàn ngành

Một loạt lĩnh vực tài chính vẫn chưa được ứng dụng công nghệ thông tin hoặc nếu có thì chỉ mang tính riêng biệt khiến Bộ Tài chính phải đặt ra kế hoạch xây dựng kho dữ liệu kết nối toàn ngành.
Bộ Tài chính muốn xây dựng kho dữ liệu kết nối toàn ngành ảnh 1Một kho dữ liệu kết nối toàn ngành tài chính sẽ được xây dựng. (Ảnh: TTXVN)

Một loạt lĩnh vực tài chính vẫn chưa ứng dụng công nghệ thông tin hoặc nếu có thì chỉ mang tính riêng biệt khiến Bộ Tài chính phải đặt ra kế hoạch xây dựng kho dữ liệu kết nối toàn ngành để tăng tính minh bạch và hiệu quả.

    

Đưa ra cảnh báo trong Hội thảo-Triển lãm Tài chính Việt Nam 2014 (Vietnam Finance 2014) vừa tổ chức sáng 12/9, ông Võ Anh Trung, Phó Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính thẳng thắn, một số lĩnh vực trong ngành đã áp dụng công nghệ thông tin hiện đại nhưng toàn ngành thì vẫn chưa xây dựng được.

Thậm chí, ông Trung cũng liệt kê ra một loạt lĩnh vực vẫn thiếu vắng việc ứng dụng công nghệ thông tin như: lập ngân sách, quản lý chi tiêu đầu tư công, báo cáo ngân sách trung hạn, tổng kế toán Nhà nước, quản lý tài sản từ khâu đăng ký tài sản mua sắm,...

Ý kiến này được đại diện Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Oracle đồng tình.

Theo ông Basanta Kumar Dash, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Oracle ASEAN, việc thiếu áp dụng những biện pháp công nghệ thông tin đồng bộ sẽ rất khó xác định chính xác việc thực thi ngân sách, quản lý chi tiêu đã minh bạch, hợp lý hay chưa.

"Nếu không có cơ sở dữ liệu tích hợp mà mỗi ngành hoạt động riêng biệt thì sẽ không có bức tranh tổng thể để phục vụ việc quản lý, dự báo," Tổng giám đốc Tập đoàn Oracle ASEAN nói.

Bởi vậy, theo ông Vũ Anh Trung, kế hoạch sắp tới của ngành tài chính đã hướng tới việc xây dựng một "kho" tích hợp để kết nối thông tin toàn ngành tài chính.

Với hệ thống mới này, ông Trung khẳng định, cơ quan quản lý sẽ không "phá bỏ" những  hệ thống hiện đại hóa từng ngành đã áp dụng trước đó mà sẽ tiếp tục kế thừa và tích hợp để có thể chia sẻ theo quy trình hợp lý.

Ngoài ra, một loạt những lĩnh vực chưa áp dụng công nghệ thông tin như đã kể trên cũng được ông Trung khẳng định sẽ là một thành phần không thể thiếu.

Mở rộng hơn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống quản lý tài chính trong tương lai sẽ phải kết nối với các Bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch và đầu tư trong khâu đầu tư công, mua sắm tài sản công hay Bộ Nội vụ trong quản lý nhân sự, tính lương.

Vẫn theo ông Trung, trong năm nay và năm sau, ngành tài chính dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, lập dự án đầu tư rồi sau đó sẽ triển khai việc xây dựng hệ thống quản lý tài chính mới tới năm 2025.

Góp thêm ý kiến, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng hệ thống quản lý tài chính phải góp phần mở rộng được đối tượng người dùng, đối tượng tiếp cận thông tin.

“Cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý phải tạo điều kiện tốt hơn để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình giám sát việc sử dụng nguồn lực công. Ngoài ra, giải pháp này cũng phải hỗ trợ có hiệu quả hơn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình ra quyết định,” ông Tuấn nêu quan điểm.

Đặc biệt, ông Tuấn cảnh báo, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ rất khó mang lại hiệu quả cao nếu như khuôn khổ thể chế thường xuyên thay đổi và không được thực hiện theo một lộ trình xác định trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục