Cà Mau đề nghị Kiên Giang phối hợp xử lý tranh chấp ngư trường

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang phối hợp điều tra, xử lý các trường hợp tranh chấp ngư trường.
Cà Mau đề nghị Kiên Giang phối hợp xử lý tranh chấp ngư trường ảnh 1Ngư dân Kiên Giang chuẩn bị ngư cụ để ra khơi. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Nhằm chấn chỉnh tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang phối hợp điều tra, xử lý các trường hợp tranh chấp ngư trường; xác minh làm rõ ý kiến phản ánh của ngư dân liên quan đến việc phân lô, bán bến bãi, bảo kê…trên vùng ngư trường đang tranh chấp.

Đặc biệt, đối với một số tàu cá Kiên Giang có hành vi thu giữ dụng cụ, phương tiện liên lạc, giữ người, chống người thi hành công vụ coi thường pháp luật cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại tá Lưu Văn Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết hầu hết các vụ tranh chấp ngư trường thường xảy ra vào ban đêm nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra, phát hiện và xử lý tàu cá sai phạm.

Do vậy, muốn lập lại trật tự, đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên biển, trong thời gian tới, các ngành chức năng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân khi hoạt động đánh bắt trên biển phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đồng thời hiểu rõ cán bộ, chiến sỹ kiểm ngư, biên phòng, công an là lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho ngư dân, cũng như xử lý các vi phạm về hoạt động đánh bắt, tranh chấp ngư trường trên biển.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau, nhiều ngư dân đưa tàu cá công suất lớn vào hoạt động tại khu vực cấm trên vùng biển Cà Mau, rồi thản nhiên thả lưới cào đánh chồng lên vùng biển mà ngư dân địa phương đang hành nghề thả lưới, đặt lú, ốc bẩy mực.

Nghiêm trọng hơn có những chiếc tàu cá công suất gần 1.000 mã lực đã dùng lưới cào khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, gây bất bình đối với những ngư dân được phép hoạt động khai thác tại vùng biển này.

Ông Đoàn Văn Khiêm, một trong những ngư dân hành nghề ốc bẫy mực tại vùng biển gần đảo Hòn Chuối đang bị tàu cá Kiên Giang tranh chấp cho biết vùng biển gần bờ chỉ được phép khai thác các loài cá to và bảo tồn cá nhỏ. Thế nhưng, nhiều chủ tàu cá công suất lớn không được phép hoạt động khai thác tại vùng biển này vẫn đưa tàu vào vùng cấm dùng cào khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, cào chồng lên lưới, lú, bẫy mực và không chịu thỏa thuận bồi thường thiệt hại ngư cụ của ngư dân Cà Mau.

Mặc dù, không có giấy phép hoạt động tại khu vực vùng biển gần đảo Hòn Chuối thuộc tỉnh Cà Mau, nhưng nhiều tàu cá của Kiên Giang vẫn thường xuyên tranh chấp ngư trường, gây mâu thuẫn với ngư dân Cà Mau, thậm chí chống người thi hành công vụ trên biển.

Đơn cử vụ tranh chấp ngư trường xảy ra gần đây nhất vào ngày 18/3/2016, một số chủ tàu cá đã đưa tàu công suất lớn đến khai thác thủy sản ở tuyến ven biển Đá Bạc, cào chồng lên khu vực thả lú, lưới, ốc bẩy mực của ngư dân đã thả trước đó.

Khi lực lượng tuần tra của Bộ đội Biên phòng đến vị trí cách bờ khoảng 16 hải lý đã phát hiện một số tàu cá công suất lớn của ngư dân Kiên Giang đang hoạt động trong vùng cấm khai thác. Tổ tuần tra tiếp cận tàu cá vi phạm, tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính tàu cá mang biển kiểm soát KG 93779 TS và KG 61793 TS và thuyền trưởng của các tàu cá nói trên lại không có đầy đủ giấy tờ theo quy định như giấy phép đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bằng thuyền trưởng và máy trưởng…

Ngoài ra, chủ phương tiện vi phạm không tự giác chấp hành lệnh của cơ quan chức năng là đưa tàu vào cửa biển để giải quyết vụ việc, mà còn dùng bộ đàm liên hệ với gần 10 tàu khác lao tới đâm vào phương tiện của tổ tuần tra, hăm dọa tổ công tác.

Một số tàu cá còn thu giữ phương tiện liên lạc và giữ cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên tàu cá trong nhiều giờ.

Hiện, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã vào cuộc tiến hành điều tra hình sự đối với vụ việc một số chủ tàu cá đã có hành vi giữ người, thu giữ công cụ, phương tiện liên lạc của cán bộ, chiến sỹ khi đang làm nhiệm vụ trên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục