Các nước ASEAN chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu

“Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” là chủ đề của ASEAN 2017, vừa được Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) thông qua.
Các nước ASEAN chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu ảnh 1Các Ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Boracay ngày 21/2. (Nguồn: EPA/TTXVN)

“Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” là chủ đề của ASEAN 2017, vừa được Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) thông qua, với cam kết thúc đẩy vị thế của ASEAN, đưa ASEAN trở thành đối tác giữ vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác với các nước, khu vực và các tổ chức quốc tế.

AMM Retreat là hội nghị cấp bộ trưởng rất quan trọng, đầu tiên trong năm 2017 do Philippines chủ trì, năm thứ hai của Cộng đồng ASEAN và cũng là năm đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của ASEAN (1967-2017).

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 20-21/2 tại Boracay (Philippines) đã xem xét thúc đẩy triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 (tháng 9/2016 tại Vientiane, Lào), xác định trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2017, trong đó có đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN, đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực.

Bằng việc nhất trí thông qua chủ đề “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu,” 10 quốc gia thành viên ASEAN thể hiện cam kết đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025.

Với việc nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, các nước thuộc ASEAN tái khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có cuộc sống chất lượng hơn về nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho tới an ninh, trật tự xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Những định hướng ưu tiên trong năm 2017 mà nước Chủ tịch Philippines đề xuất, liên quan đến thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN và đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực, đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Các nước đều nhất trí thúc đẩy ASEAN với hơn 630 triệu dân thuộc 10 quốc gia với các điều kiện an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau trở thành một mô hình lý tưởng đảm bảo những lợi ích cốt lõi cho người dân.

Các nước cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó tranh thủ thêm sự ủng hộ trong xây dựng cộng đồng, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các nước khẳng định sự cần thiết của việc duy trì đối thoại để làm dịu căng thẳng, thúc đẩy lòng tin, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực để ASEAN và Trung Quốc đạt khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2017, nhằm tạo thuận lợi sớm hoàn tất COC.

Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên khẳng định cùng chung quyết tâm xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi sự phát triển của các doanh nghiệp này là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn diện trong khu vực.

Đối với Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, yếu tố con người và sức khỏe con người được đặc biệt chú trọng.

Philippines kêu gọi các nước thành viên hợp tác nhằm hiện thực hóa một ASEAN không có tệ nạn ma túy, tăng cường khả năng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan…

Tham dự hội nghị, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất và cụ thể vào các nội dung của chương trình nghị sự, cam kết hợp tác chặt chẽ với Philippines và các nước thành viên khác trên tinh thần thiện chí, có trách nhiệm để ghi dấu ấn thành công trong năm kỷ niệm “vàng,” đưa ASEAN phát triển lên một tầm cao mới.

ASEAN sẽ tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 trong năm 2017 như một cột mốc quan trọng của khu vực sau 5 thập kỷ hình thành và phát triển.

Trải qua nửa thế kỷ, ASEAN đã gặt hái những thành công đáng kể về kinh tế, xã hội và được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước hàng loạt biến động, thách thức của thế giới cũng như khu vực đòi hỏi ASEAN phải có sự cải tổ, sẵn sàng thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì đà phát triển.

Kỷ niệm 50 năm thành lập có thể là dịp để các nước ASEAN cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, tích cực chuẩn bị cho những thách thức ở phía trước.

Những thách thức này cần phải được chủ động đối phó và giải quyết một cách hiệu quả.

Trong vài năm trở lại đây, hoạt động thương mại trong ASEAN khá trì trệ mặc dù việc loại bỏ các hàng rào thuế quan là một trong những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp chưa được thực hiện và các vấn đề mới phát sinh hiện đặt ra nhiều thách thức cho năm thứ hai kể từ khi hình thành AEC.

Việc nhiều quốc gia coi trọng bảo hộ thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn cũng là những trở ngại lớn cho nỗ lực hội nhập khu vực.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn khác, như sự chi phối về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, những chính sách khó lường của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vấn đề Brexit và sự ổn định của châu Âu cũng như nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn hiện nay... Chủ động có các biện pháp ứng phó với những thách thức, ASEAN mới có thể đạt được một mức độ cao hơn trong hội nhập để duy trì đà phát triển.

Xuất từ những thực tế như vậy, Philippines đã đề ra các ưu tiên phải đạt được trong năm nay, trong đó có việc hoàn tất Hiệp định thương mại và dịch vụ ASEAN, đánh giá tính hiệu quả của AEC cũng như môi trường kinh doanh trong ASEAN.

Một điều quan trọng nữa đối với tất cả các nước ASEAN là phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề phức tạp về an ninh của khối, tiến hành tốt công tác dự báo và biện pháp đối phó với những thách thức về kinh tế, an ninh quốc tế và khu vực.

Nếu những biện pháp này được thực hiện một cách nhất quán và đồng thuận, ASEAN sẽ tiếp tục đà phát triển và sẽ tiến lên một tầm cao mới trong tương lai.

  

Với vai trò Chủ tịch luân phiên và là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Philippines sẽ có rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa các kế hoạch hành động của ASEAN.

Philippines sẽ tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào các tháng 4 và 11/2017 cùng với hơn 100 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao (SOM) và nhóm công tác.

Kết quả của các hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan trong năm ASEAN 2017 sẽ phản ánh sự trưởng thành và vị thế của khối.

Rõ ràng, trước tình hình thế giới biến động phức tạp và khó lường hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN càng cần không ngừng nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, phát huy những giá trị nền tảng để tăng cường liên kết ASEAN thực chất hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động, mang lại lợi ích và tác động cụ thể, thiết thực cho đời sống của người dân khu vực, đưa vị thế ASEAN ngày càng lên cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục